Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Cây cao su xóa đói giảm nghèo cho người vùng xa




Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên không chỉ giải quyết việc làm, tạo cuộc sống ấm no cho hàng chục ngàn lao động, hình thành những khu dân cư trù phú, là thế trận bảo vệ quốc phòng-an ninh trên biên giới mà nó còn làm “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người dân tộc thiểu số đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ cây cao su tiểu điền.



Trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh khẳng định: Cái quý nhất khi đưa cao su lên trồng ở Tây Nguyên là không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà người dân đã tiếp cận với cách chăm sóc, thu hoạch mủ cao su, từ đó họ mở rộng diện tích cao su tiểu điền để có cuộc sống no đủ hơn. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.500 ha cao su tiểu điền, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, năng suất mủ tương đương với các công ty cao su. Cùng với đó, với diện tích cao su tiểu điền này đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động.



Đường vào xã Đak Tơ Ver hai bên là những rừng cao su xanh mướt, tiếng nói cười của những công nhân đi thu hoạch mủ cao su làm cho không gian trở nên rộng rã hơn.

Chúng tôi ghé anh ông Jưp (làng Om, xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh) chia sẻ: Tôi trồng cao su lâu rồi, lúc còn trẻ theo cha mẹ, cạo mủ cho Công ty Cao Su Chư Păh. Nhưng nếu chỉ cạo mủ thuê thôi thì đủ ăn, nhưng làm giàu thì lâu lắm, khi ra ở riêng được bố mẹ cho ít đất, thấy người dân ở các xã khác trong huyện trồng cao su tiểu điền thì tôi cũng trồng theo. Quá trình trồng cây cao su, tôi thấy không tốn công và dễ chăm sóc hơn so với trồng cây cà phê, tiêu, chanh dây nên rất yên tâm. Gia đình tôi có 6 ha cao su tiểu điền, trong đó thu 3 ha đang trong giai đoạn khai thác mủ. Hầu như ngày nào cũng có 4 công trong gia đình thường xuyên cạo mủ, cuối tuần thương lái đến nhà thu mua, mỗi tuần bán mủ đông được 13-15 triệu đồng/tuần (tùy theo giá mủ đông), trừ chi phí nhân công khoảng 5-6 triệu đồng/tuần, mỗi tháng thu nhập bình quân của gia đình khoảng 21 triệu đồng từ cây cao su.


Ông Jưp chia sẻ nguồn thu nhập từ cây cao su tiểu điền của gia đình hiện nay.


Chia tay người dân Đak Tơ Ver, chúng tôi ngược đường lên xã Hà Tây, nơi có diện tích cao su tiểu điền lớn thứ 2 huyện Chư Păh. Mặt trời vừa đứng bóng cũng là lúc ông Kha (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) cùng các con ra vườn đổ mủ trở về nhà. Thấy có khách lạ đến nhà để tìm hiểu về cây cao su tiểu điền, ông chia sẻ:



Nắm rõ những lợi thế mà cây cao su mang lại, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chính sách, chủ trương cụ thể để phát triển loại cây này trong đó Quyết định số 871/QĐUBND, ngày 28-12-2009 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, tỉnh cũng có các chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số trồng cao su tiểu điền. Làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa) là một trong những ngôi làng được tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện Dự án trồng cao su tiểu điền. Ông Thương (làng Mrăh, xã Kdang) là một trong những hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án này.

Ông Thương chia sẻ nguồn thu nhập từ cây cao su tiểu điền vào những năm 2010-2012.

Công nhân thu hoạch mủ cao su.


Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Trưởng phòng kỹ thuật (Công ty Cổ phần Cao su Quốc Cường Gia Lai) đến thăm cụm dân cư Đội 1 và Đội 2 (tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông) của Công ty. Trước mắt chúng tôi là những căn nhà nằm liền kề nhau với đầy đủ cơ sở hạ tầng, cuộc sống sầm uất đã làm cho chúng tôi xua đi cái ngần ngại ban đầu.



Ông Lừng cho biết: Công ty đang quản lý 1.376 ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác mủ 1.231 ha, còn lại cao su đang trong giai đoạn chăm sóc, kiến thiết cơ bản. Hiện tại đơn vị đảm bảo việc làm ổn định cho 250 công nhân; vào mùa cao điểm cạo mủ có trên 300 lao động. Đơn vị có 3 đội sản xuất gồm: Đội 1, 2 và 3 nằm dọc Quốc lộ 14C. Hiện nay, công nhân của đơn vị gồm 9 dân tộc cùng sinh sống và làm việc. Công ty đã xây dựng 157 căn nhà cho công nhân với diện tích mỗi căn khoảng 40m2 gồm: phòng khách, phòng ngủ, đảm bảo cho gia đình có 3-4 người sinh sống; kéo điện thắp sáng, khoan giếng cấp nước sinh hoạt miễn phí. Ngoài ra, có nhà giữ trẻ, trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho công nhân.

Ông Lừng chia sẻ về diện tích cao su của đơn vị.



Ông Chu Văn Dũng (dân tộc Tày, công nhân Đội 1) là một trong những thế hệ đầu tiên tham gia phát triển vườn cao su của Công ty Cổ phần Cao su Quốc Cường Gia Lai cho biết:


Cách nhà ông Dũng không xa là nhà của anh Trần Văn Ngành-công nhân cạo mủ Đội 2. Anh gắn bó với Công ty Cổ phần Cao su Quốc Cường Gia Lai hơn 10 năm. Anh chia sẻ: Năm 2013, tôi rời quê Sóc Trăng lên vùng đất Ia Púch sinh sống và làm công nhân. So với trước, cuộc sống bây giờ đã thoải mái hơn nhiều, các dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa ở cụm dân cư của Công ty đã đầy đủ, lương 2 vợ chồng mỗi tháng cũng gần 20 triệu đồng. Nếu chịu khó làm thì sẽ tích lũy được vốn cho con sau này. “Lúc đầu chúng tôi không biết cạo mủ, nhưng giờ cạo mủ thành thạo và cạo làm sao để có nhiều mủ nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây”-anh Ngành khẳng định.

Anh Ngành nói về cơ duyên đến với cây cao su.

Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch (huyện Chư Prông)-thông tin: Trên địa bàn xã Ia Púch hiện có hơn 9.000 ha cao su của 5 công ty cao su. Các công ty này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động vào làm công nhân có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân khoảng 2%/năm. Các công ty cao su thường xuyên hỗ trợ địa phương xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cải tạo đất, mở rộng diện tích lúa nước.

Nếu ai có dịp lên biên giới Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, bên cạnh những rừng cao su xanh ngát thì những cụm dân cư, cơ sở hạ tầng được xây dựng đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn trên vùng biên viễn thêm phần khởi sắc. Binh đoàn 15 là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế, xây dựng dân cư, xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Hiện nay, Binh đoàn 15 thực hiện nhiệm vụ trên 271 thôn, làng thuộc 41 xã, 9 huyện, thành phố của 4 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định) địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Binh đoàn thường xuyên tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 16.000 lao động, trong đó 60% lao động là người dân tộc thiểu số.

Với phương châm phát triển cao su ở đâu đưa người dân và hình thành cụm dân cư ở đó, đến nay đơn vị đã xây dựng 266 cụm điểm dân cư trên vành đai biên giới. Ngoài ra, Binh đoàn còn xây dựng 1 Bệnh viện Quân y và 10 bệnh xá để khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động và Nhân dân. Cùng với đó, xây dựng 11 trường mẫu giáo với 130 điểm trường và 332 nhóm với 223 lớp chăm sóc và giáo dục gần 7.000 cháu bậc học mầm non. Đặc biệt, từ năm 2002 đến nay, Binh đoàn đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, kéo điện, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Trong quá trình tái canh cây cao su, đơn vị đã cho người dân mượn hàng trăm ha đất để trồng lúa và các loại cây ngắn ngày nhằm chủ động về lương thực.


Đi trên tuyến biên giới dài hơn 80 km của tỉnh, hay xuôi về những vùng đất trồng cao su ở Mang Yang, Chư Păh, Đak Đoa… ở đâu có cây cao su là ở đó có những thôn, làng phát triển. Điều này cũng được minh chứng qua lời nói của ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa: “Cây cao su thực sự đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, đây là cây trồng không thể thay thế. Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp trồng cao su đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết mà đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra".

Có thể bạn quan tâm