'Biến' thức ăn thừa thành hạt cám cho lợn và phân bón

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nhóm sinh viên nghiên cứu và chế tạo một loại máy có khả năng xử lý thức ăn thừa thành hạt cám cho lợn, giúp ích cho ngành chăn nuôi và tránh lãng phí thức ăn.
Tránh lãng phí thực phẩm, ô nhiễm môi trường
Theo nhóm sinh viên của Trường ĐH Duy Tân, mỗi ngày có 87% hộ gia đình thải hai đĩa thức ăn thừa, điều này gây lãng phí thực phẩm và làm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi thường sử dụng đồ ăn thừa chưa qua xử lý cho lợn ăn, không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn cho hệ tiêu hóa. Vì vậy, một nhóm 4 sinh viên của trường đã lên ý tưởng thiết kế và chế tạo máy xử lý thực phẩm thừa.

Nhóm nghiên cứu gồm 4 sinh viên. Ảnh: NVCC
Trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàng Long chia sẻ: “Từ khi lên ý tưởng triển khai cho đến khi hoàn thiện sản phẩm, nhóm làm không ngừng nghỉ trong vòng một tháng. Chúng tôi đã hoàn thiện phiên bản đầu tiên nhanh nhất có thể để tham gia cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize 2021 khu vực Đông Nam Á”.
Với chiều cao 80 cm, rộng 70 cm, máy nghiền thức ăn có buồng chứa lên đến 16 kg thức ăn thừa. Mỗi khi ra thành phẩm, máy có thể tự động ngắt.
Người sử dụng chỉ cần bỏ thức ăn thừa, thực phẩm thừa vào máy để chúng được xay nghiền trong vòng 30 - 45 phút. Máy tự động nghiền và loại bỏ nước trong thực phẩm theo hệ thống đường ống. Sau khi nghiền nát, máy sẽ sấy khô toàn bộ thực phẩm thừa ở nhiệt độ 80 độ C trong vòng 3 giờ.
Cuối cùng, bộ phận xay mịn sẽ hoạt động, vừa xay, vừa trộn với một lượng vi sinh nhất định để tạo ra thành phẩm là hạt cám mịn. Như vậy, chỉ trong vòng 4 giờ, máy có thể xử lý tối đa 16 kg thức ăn thừa và cho ra được 4kg thành phẩm.
Sinh viên Phạm Khắc Minh Đức, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Hạt cám do máy tạo ra dễ dàng tiêu hóa trong đường ruột của lợn, đảm bảo sạch, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. So với các loại cám mua trên thị trường thì người chăn nuôi có thể yên tâm hơn về độ sạch và chất dinh dưỡng bởi vì do chính họ có thể tạo ra nguồn thức ăn sẽ yên tâm hơn”.
Mang công nghệ dự thi, gọi vốn
Dự án của nhóm sinh viên bước vào vòng chung kết trong cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize 2021 nhưng không đạt giải.
Dù vậy, nhóm sinh viên vẫn tiếp tục cố gắng hoàn thiện sản phẩm và mang công nghệ của họ đi tham dự các cuộc thi và gọi vốn đầu tư trong thời gian tới như: giải thưởng nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, chương trình sáng kiến năng lượng bền vững, cuộc thi khởi nghiệp dành cho các sinh viên ở khu vực Đông Nam Á (P2A)…

Máy xử lý thực phẩm thừa. Ảnh: NVCC
Là giảng viên hướng dẫn nghiên cứu cho nhóm sinh viên, thạc sĩ Phạm Ngọc Quang thuộc Trung tâm Điện - Điện tử (CEE) của Trường ĐH Duy Tân, chia sẻ: “Thành viên nhóm nghiên cứu là những nhân tố tốt, không những có kỹ năng làm việc độc lập mà còn làm việc nhóm ăn khớp với nhau. Tuy những ngày đầu chạy dự án, nhóm còn gặp khó khăn về tư duy, suy nghĩ trên lý thuyết, thiếu tính thực tiễn. Nhưng với sự quyết tâm học hỏi, các em đã hiện thực hóa thành công ý tưởng của mình”.
Ông Quang đánh giá: “Máy xử lý thực phẩm thừa sẽ tạo ra tiền đề cho một hướng mới giải quyết vấn đề của người nông dân về dịch tả lợn và nông sản hư hỏng, hộ gia đình và trang trại chăn nuôi dễ dàng sử dụng. Máy khi đưa vào thực tiễn tạo ra sản phẩm có hiệu năng tốt, tăng năng suất lao động, giảm bớt gánh nặng kinh tế và đem lại môi trường sạch”.
Còn Nguyễn Thanh Hùng, thành viên nhóm nghiên cứu, bộc bạch: “Niềm vui và hạnh phúc của chúng tôi là khi nhìn thấy sản phẩm dần hoàn thiện từng ngày. Chúng tôi càng vui hơn khi được mang sản phẩm tham dự các cuộc thi, hội thảo kêu gọi vốn đầu tư”.

Nhóm tác giả mong muốn mang sản phẩm tốt đến người nông dân. Ảnh: NVCC
Dự kiến giá bán của máy nghiền thực phẩm thừa là khoảng 25 triệu. Nhóm sinh viên đang cố gắng cải thiện sản phẩm để có giá thành hợp lý với túi tiền của người nông dân. So với máy Exbio cùng loại của Hàn Quốc đã sản xuất giá thành khoảng 30-40triệu/máy thì máy của nhóm rẻ hơn.
Nhóm nghiên cứu cho hay, máy không những tạo thức ăn cho lợn mà còn tạo ra được phân bón, nếu người sử dụng thay thế vi sinh hỗ trợ cho việc tạo ra phân bón để trồng trọt trong quá trình định lượng và xay mịn.
Hơn nữa, ở điều kiện nhiệt độ bình thường, tuổi thọ của máy lên đến 60 năm bởi vì cấu tạo chính của máy là thép cùng với hàm lượng cacbon cơ bản nên thép hộp có độ bền khá cao. Ngoài ra, đối với những sản phẩm thép hộp mạ kẽm lại có khả năng chống ăn mòn nên thường độ dài của thép hộp rất cao.
Một đơn vị doanh nghiệp ở Đà Nẵng vừa có đề nghị sẽ hỗ trợ nhóm sinh viên sản xuất máy "biến" thực phẩm thừa cám cho lợn, với điều kiện họ phải đạt được ít nhất một thành tích trong các cuộc thi sắp tới.
Theo Vũ Lâm (TNO)

Có thể bạn quan tâm