Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.

Các đại biểu tham gia lễ phát động Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên. Ảnh: Phan Lài
Các đại biểu tham gia lễ phát động Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên. Ảnh: Phan Lài

Dự buổi lễ có các ông, bà: Phạm Việt Công-Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông-Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai; Hoàng Thị Na Hương-Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á.

Cùng tham gia lễ phát động có đại diện Phòng Cảnh sát giao thông-Công an tỉnh; lãnh đạo Ban An toàn Giao thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku; giáo viên, học sinh các trường tham gia thí điểm dự án trên địa bàn TP. Pleiku.

Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho 5 trường tham gia thí điểm thực hiện dự án. Ảnh: Phan Lài
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho 5 trường tham gia thí điểm thực hiện dự án. Ảnh: Phan Lài

Được sự tài trợ của Quỹ Botnar và Quỹ FIA, dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” do Quỹ phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo triển khai trong 3 năm (3/2021-3/2024). Một trong những mục tiêu của dự án là xác định các cung đường rủi ro hay còn gọi là “điểm đen giao thông” xung quanh các khu vực trường học bằng ứng dụng công nghệ “Kết nối thanh thiếu niên”.

Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” được triển khai thí điểm tại 5 trường học trên địa bàn TP. Pleiku, gồm: Trường Cao đẳng Gia Lai, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Trường THPT Phan Bội Châu, Trường THCS Trần Phú, Trường THCS Nguyễn Du. Trong đó, Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên là một công cụ hỗ trợ giới trẻ trực tiếp chia sẻ ý kiến và báo cáo những nơi an toàn hay có nguy cơ gây rủi ro cho các em khi đến trường, từ đó hỗ trợ các cơ quan chức năng lựa chọn các giải pháp cải tạo cơ sở hạ tầng phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

 
 

Tại buổi lễ, ông Phạm Việt Công-Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông-Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: Để dự án đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực, đề nghị các học sinh, sinh viên, thầy-cô giáo và các phụ huynh hưởng ứng thực hiện với tinh thần cao nhất. Mỗi người chúng ta cần biết quan tâm, lắng nghe ý kiến của các em để đưa ra những biện pháp tối ưu nhất trong việc giải quyết những vấn đề gây mất an toàn giao thông mà các em hiện đang phải đối mặt. Thông qua kết quả dự án, việc chủ động chia sẻ ý kiến và báo cáo những nơi an toàn hay có nguy cơ rủi ro cho người tham gia giao thông đường bộ sẽ giúp các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, góp phần phòng ngừa và giảm thương vong do tai nạn giao thông trên phạm vi toàn quốc.

Các đại biểu và các em học sinh triển khai thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên tại khu vực xung quanh Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Phan Lài
Các đại biểu và học sinh triển khai thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên tại khu vực xung quanh Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Phan Lài

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng đại diện các giáo viên, học sinh các trường tham gia dự án đã phát động chương trình thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên. Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho 5 trường tham gia thí điểm dự án. 

Ngay sau buổi lễ, các đại biểu và các em học sinh đã triển khai thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên tại khu vực xung quanh Trường THPT Hoàng Hoa Thám.

PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm