Sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh Gia Lai lần thứ XV vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau thành công của Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai lần thứ XV (nhiệm kỳ 2022-2027), các cấp bộ Đoàn đã xây dựng chương trình hành động với lộ trình rõ ràng và thể hiện quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống, góp sức trẻ xây dựng quê hương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục

Chị Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV có ý nghĩa quan trọng đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh nhà trong 5 năm tới. Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, nhận thức là khâu quan trọng nhất. Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có nhận thức đúng thì mới đoàn kết, thống nhất ý chí, phát huy sức mạnh trong mọi hành động để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra”.

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tổ chức góp phần cụ thể hóa chỉ tiêu đặt ra tại Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2022-2027). Ảnh: Phan Lài
Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” góp phần cụ thể hóa chỉ tiêu đặt ra tại Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2022-2027). Ảnh: Phan Lài
Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo: Để Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV sớm đi vào cuộc sống, các cấp bộ Đoàn cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt để xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa nghị quyết sát với thực tiễn địa phương, đơn vị.

Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV đề ra 13 chỉ tiêu cơ bản như: Cấp tỉnh nhân rộng ít nhất 1 tấm gương, câu chuyện đẹp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng năm, cấp tỉnh thực hiện 1 công trình thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM); cấp huyện và tương đương thực hiện hoặc phối hợp thực hiện ít nhất 1 công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng NTM, 100% Đoàn xã có hoạt động xây dựng NTM. Hàng năm, trồng mới ít nhất 300.000 cây xanh. 100% các cấp bộ Đoàn tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; 30% ĐVTN sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 100% tổ chức cơ sở Đoàn làm việc trên nền tảng số. Mỗi Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn có 1 đội cồng chiêng thanh thiếu nhi hoặc nhạc cụ dân tộc; mỗi Đoàn xã, phường, thị trấn có 1 mô hình hoặc câu lạc bộ thanh thiếu nhi tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương…

Để Nghị quyết nhanh chóng đến với ĐVTN, ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã xây dựng chương trình hành động. Đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết phù hợp với từng đối tượng ĐVTN và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn đã xây dựng các nội dung của Nghị quyết theo hình thức trực quan sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Các tổ chức cơ sở Đoàn lồng ghép tuyên truyền nội dung Nghị quyết vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội... Anh Lê Trọng Phúc-Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ-cho biết: Đến nay, 100% tổ chức cơ sở Đoàn trong huyện đã triển khai học tập, quán triệt và có hoạt động tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội Đoàn. Việc giáo dục, đẩy mạnh tuyên truyền giúp các tổ chức Đoàn, ĐVTN hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và những nội dung cơ bản của nghị quyết đại hội Đoàn các cấp. Từ đó, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đoàn.

Cụ thể hóa chương trình hành động

Ngay sau Đại hội, các tổ chức Đoàn trong tỉnh đã cụ thể hóa các chỉ tiêu bằng những công trình, phần việc thiết thực. Mới đây, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh đã bàn giao công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” tại làng Tung Chúc (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) gồm 35 trụ đèn năng lượng mặt trời lắp đặt trên tuyến đường có chiều dài 1 km với tổng kinh phí 170 triệu đồng. Huyện Đoàn Chư Păh cũng đã bàn giao tuyến đường thanh niên “Sáng-xanh-sạch-đẹp” gồm 15 bóng đèn năng lượng mặt trời với tổng trị giá 20 triệu đồng ở làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh.

Chị Nguyễn Hoài Phương-Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh-cho hay: Khi thực hiện các công trình, phần việc, Huyện Đoàn đều khảo sát nhu cầu thực tế để có sự hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, những địa phương đăng ký về đích NTM, Huyện Đoàn linh hoạt phối hợp, thực hiện những nội dung hoạt động phù hợp góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM.

Năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học công nghệ, thanh niên là lực lượng xung kích, tích cực trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, Tỉnh Đoàn kết nối với Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tổ chức Đoàn các phần mềm chuyển đổi số. Từ nguồn lực của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến kết hợp trực tiếp kiến thức chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho hơn 200 ĐVTN. Các tổ chức Đoàn cơ sở cũng chủ động triển khai nội dung này phù hợp với yêu cầu của địa phương.

Đoàn phường Hội Thương (TP. Pleiku) hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VneID. Ảnh: Phan Lài
Đoàn phường Hội Thương (TP. Pleiku) hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VneID. Ảnh: Phan Lài



Tại TP. Pleiku, các tổ chức Đoàn đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng nhằm phối hợp hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID và tuyên truyền cài app Pleiku Smart và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Anh Nguyễn Sỹ Nguyên-Bí thư Đoàn phường Hội Thương-cho biết: Ủy ban nhân dân phường cùng Đoàn phường thành lập 1 tổ dân phố điện tử với 8 ĐVTN tham gia. Tổ này thường ra quân vào dịp cuối tuần, giúp người dân cài đặt các ứng dụng để thuận lợi hơn trong giải quyết thủ tục hành chính.

Những ngày này, tuổi trẻ toàn tỉnh đang tích cực triển khai các chương trình tình nguyện “Xuân tình nguyện-Ấm áp mùa đông”, “Đông ấm cho em”, “Tết biên cương”… nhằm chăm lo Tết cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đối tượng chính sách, trẻ em nghèo. Đây cũng là chuỗi hoạt động góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV. Bên cạnh đó, các chương trình đồng hành với thanh niên cũng được đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh thiếu nhi như: chương trình tư vấn, hướng nghiệp; cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp…

 

 PHAN LÀI
 

Có thể bạn quan tâm