Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.

 Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng (thứ 3 từ phải sang) tại lễ tuyên dương gương Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng (thứ 3 từ phải sang) tại lễ tuyên dương gương "Tuổi trẻ sáng tạo tiêu biểu” năm 2022. Ảnh: Mộc Trà

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi lần lượt theo học khóa ung thư cơ bản tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và chuyên khoa cấp I chuyên ngành Ung thư tại Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh hơn 2 năm. Chính trong khoảng thời gian này, bác sĩ Hùng đã tiếp cận và lĩnh hội nhiều kiến thức mới trong điều trị các loại ung thư, nhất là khi bệnh đã ở giai đoạn di căn (giai đoạn cuối).

Đầu năm 2021, bác sĩ Hùng quay trở lại công tác và quyết định áp dụng phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn trên các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đồng thời, phối hợp cùng đồng nghiệp theo dõi, nghiên cứu, đánh giá kết quả. Theo anh, trước đây, vấn đề điều trị ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng ở giai đoạn di căn vẫn còn hạn chế. Do đó, hầu hết bệnh nhân trong tỉnh đều phải đến các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội để điều trị, kéo theo nhiều khoản chi phí phát sinh. “Đây là nghiên cứu đầu tiên về hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết quả thu được là cơ sở cho việc đưa hóa trị trở thành phương pháp điều trị quan trọng; đồng thời mở ra tiền đề để thực hiện thêm các nghiên cứu đối với điều trị ung thư ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn cũng như bệnh nhân ung thư khác tại đơn vị”-bác sĩ Hùng cho biết.

Đến nay, phương pháp này đã được bác sĩ Hùng áp dụng điều trị cho 31 bệnh nhân trong độ tuổi 25-85. Tất cả đều mắc ung thư đại trực tràng di căn xa ngay tại thời điểm chẩn đoán, không còn khả năng phẫu thuật triệt căn; không đủ điều kiện sử dụng các thuốc điều trị đích, điều trị sinh học; chức năng gan, thận, huyết học trước điều trị trong giới hạn bình thường và không mắc các bệnh có nguy cơ tử vong gần và các bệnh mạn tính khác. Phần lớn bệnh nhân đi khám vì đau bụng rồi phát hiện bị bệnh và hầu hết đều di căn sang gan, phổi… Mỗi bệnh nhân được bác sĩ Hùng xây dựng một phác đồ điều trị riêng, phù hợp với diễn biến bệnh cũng như thể trạng của họ.

 Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng luôn chủ động nghiên cứu, ứng dụng những phương pháp mới trong điều trị cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Mộc Trà
Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng luôn chủ động nghiên cứu, ứng dụng những phương pháp mới trong điều trị cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Mộc Trà
Với đề tài nghiên cứu của mình, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng là 1 trong 36 gương “Tuổi trẻ sáng tạo tiêu biểu” năm 2022 được Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tuyên dương vào ngày 9-12 vừa qua.

Bác sĩ Hùng phân tích: Qua nghiên cứu cho thấy, 70,96% bệnh nhân đáp ứng điều trị sau 4 chu kỳ sử dụng thuốc; tỷ lệ kiểm soát bệnh là 90,33%. Sau 8 chu kỳ điều trị, tỷ lệ đáp ứng và kiểm soát bệnh lần lượt là 64,5% và 83,9%. Tỷ lệ sống qua 12 tháng đạt 77,41%. Điều này chứng tỏ, dù không thể điều trị khỏi nhưng phương pháp hóa trị đối với bệnh ung thư đại trực tràng di căn là hoàn toàn hiệu quả, giúp bệnh nhân giảm đau đớn, duy trì và nâng cao chất lượng sống.

Anh Huỳnh Văn Tài (thôn Đoàn Kết, xã Ayun, huyện Mang Yang) tâm sự: “Cách đây 4 năm, sau khi đi kiểm tra sức khỏe, tôi phát hiện mình bị ung thư đại trực tràng. Năm 2021, vì khối u có nguy cơ vỡ và bệnh đã di căn nên tôi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau 8 chu kỳ hóa trị, sức khỏe của tôi có chuyển biến tốt hơn, không còn thường xuyên xuất hiện những cơn đau bụng và mỏi mệt nữa”.

Ngoài ung thư đại trực tràng di căn, bác sĩ Hùng đang hướng đến nghiên cứu mở rộng phương pháp hóa trị trong điều trị các bệnh ung thư khác và tiến đến thực hiện xạ trị, điều trị đích ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi đơn vị đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang-thiết bị và nguồn nhân lực. Hiện nay, anh đang phối hợp với một số bác sĩ thuộc Khoa Sản tiến hành hóa trị tân bổ trợ đối với 3 bệnh nhân bị ung thư buồng trứng với khối u lớn, xâm lấn nội tạng không thể phẫu thuật. “Kết quả bước đầu, 2 bệnh nhân đáp ứng điều trị khá tốt và gần như đã khỏi bệnh (có 1 bệnh nhân đã triệt tiêu hẳn khối u); 1 bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn hóa trị”-bác sĩ Hùng nói.

Nhận xét về nghiên cứu của đồng nghiệp, bác sĩ Dương Thị Hoài Thanh-Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân-cho hay: Đây là một trong những thành công bước đầu của quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng. Bệnh nhân không phải di chuyển đến các bệnh viện lớn, thuận tiện cho quá trình điều trị và chăm sóc; nhiều người đã được điều trị hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng những phương pháp mới trong điều trị nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe cho người dân.

 

  MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm