Sinh viên sáng chế thiết bị hỗ trợ người bị run tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với mong muốn giúp các bệnh nhân Parkinson (chứng bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động) thuận tiện hơn trong sinh hoạt, hai sinh viên tại Đà Nẵng đã sáng chế thiết bị hỗ trợ người bị run tay.
Thiết bị này do Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) sáng chế, vừa đoạt giải nhì Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2022. Ngoài ra, sản phẩm cũng từng đoạt giải nhất tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.
“Nhận thấy bệnh Parkinson ảnh hưởng đến cử động tay chân của người bệnh, làm cho cơ thể bệnh nhân bị mất kiểm soát cũng như khó khăn trong vận động sinh hoạt hằng ngày nên chúng mình mong muốn sáng chế ra một sản phẩm hỗ trợ họ”, Bích Đào chia sẻ.

Hai tác giả của thiết bị hỗ trợ người bị run tay. Ảnh: NVCC
Hai tác giả của thiết bị hỗ trợ người bị run tay. Ảnh: NVCC
Bắt tay vào thực hiện từ tháng 2.2022 dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Xuân Bảo (Trưởng bộ môn Cơ khí chế tạo), sự tư vấn, hỗ trợ của PGS-TS Phan Cao Thọ (Hiệu trưởng) và tiến sĩ Hồ Trần Anh Ngọc (Trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng), đến tháng 5.2022, nhóm sinh viên cho ra đời mô hình ban đầu và đang tiếp tục cải tiến.
Thiết bị bao gồm một con quay hồi chuyển, một động cơ, khung nhôm (chứa vỏ máy trên, đế máy, hộp động cơ trên, hộp động cơ dưới), ổ bi, pin, vít và quai đeo tay. Thiết bị sử dụng mô men quán tính con quay hồi chuyển, hoạt động dựa trên nguyên tắc mô men động lượng. Các đĩa quay giống như bánh đà bên trong con quay hồi chuyển sẽ hấp thụ các lực nhiễu (run tay), từ đó sẽ làm giảm đáng kể hiện tượng run tay.

 
Đến tháng 6.2022 thiết bị được thử nghiệm trên bệnh nhân đầu tiên và cho kết quả khả quan. “Bệnh nhân có cảm giác thoải mái, có thể viết chữ, cầm nắm, sử dụng được điện thoại, cử động dễ dàng hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Thiết bị ngoài hấp thụ giảm run còn cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu như được mát xa tay”, Bích Đào cho biết.
Đánh giá về thiết bị này, bác sĩ CK1 Dương Quốc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Trung tâm y tế Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, cho biết: “Đây là một ý tưởng hay, thiết bị có tính ứng dụng và khả thi, có tác dụng khử run giúp bệnh nhân cải thiện vận động trong sinh hoạt. Tuy nhiên, thiết bị còn khá nặng và cồng kềnh khiến bệnh nhân cảm thấy hơi bất tiện khi sử dụng. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân có mức độ run khác nhau nên nhóm cần cải thiện tần số run sao cho phù hợp với từng người”.
Theo Bích Đào, dự định năm sau nhóm sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cấp thiết bị sao cho gọn, nhẹ nhất có thể. Bên cạnh đó là tích hợp đo nhịp tim, đo huyết áp và cảm biến đo theo tần số chu kỳ dao động của từng bệnh nhân. Nhóm cũng hy vọng tìm được đơn vị hỗ trợ cùng hợp tác để mang sản phẩm đến với nhiều bệnh nhân hơn.
Theo Thảo Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm