Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm” mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Sau mỗi buổi học, các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa coi việc chăm sóc vườn rau của Liên Đội là một trong những trải nghiệm hứng thú, bổ ích. Những công việc như nhổ cỏ, bắt sâu, làm đất, vun luống, bón phân, tưới nước… được các em làm khá thành thạo. Dưới bàn tay chăm sóc của giáo viên và học sinh, những khoảnh đất trống đã thành những luống rau xanh mướt. Không chỉ cung cấp nguồn rau sạch cho bếp ăn bán trú của trường, nguồn kinh phí thu được từ bán rau giúp các chi đội nuôi heo đất gây quỹ tiếp sức bạn đến trường.
Em Hán Hoàng Mai (lớp 6/1) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên em đi học xa nhà. Thông qua hoạt động chăm sóc vườn rau, chúng em gắn bó với nhau hơn. Em cũng hiểu được sự vất vả hàng ngày của ba mẹ nên sẽ cố gắng học tập thật tốt để ba mẹ vui lòng”. Còn em Nông Thị Phương Anh (lớp 8/2) thì bộc bạch: “Nguồn quỹ bán rau thu được, chúng em dùng cho các hoạt động chung của lớp như giúp các bạn học sinh nghèo mua đồ dùng học tập, thăm hỏi bạn khi ốm đau… Từ kinh nghiệm có được, mỗi dịp cuối tuần về nhà, em lại giúp cha mẹ chăm sóc vườn rau của gia đình”.
Các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa chăm sóc vườn rau sau giờ tan học. Ảnh: Vũ Chi
Các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa chăm sóc vườn rau sau giờ tan học. Ảnh: Vũ Chi
Theo thầy Trương Minh Khoa-giáo viên Tổng phụ trách Đội, xuất phát từ tình hình thực tiễn, giờ giấc học tập cũng như sinh hoạt thường ngày của học sinh, Liên Đội đã phát động nhiều phong trào nhằm trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng sống, trong đó mô hình “Vườn rau em chăm” mang lại hiệu quả cao nhất. Bình quân mỗi ngày, vườn rau cung cấp cho bếp ăn của trường khoảng 60-70 kg rau xanh. Ngoài ra, các chi đội có thể bán rau để gây quỹ, dùng trong các hoạt động chung. Mô hình góp phần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, khơi dậy tính tự lập, hình thành ý thức tiết kiệm, biết quý trọng thành quả lao động và phát huy tinh thần “tương thân tương ái” với bạn bè. “Vườn rau xanh tốt không những tạo cảnh quan khuôn viên nhà trường thêm xanh-sạch-đẹp, cải thiện bữa ăn cho các em mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho học sinh”-thầy Khoa khẳng định.
Nhờ nguồn rau sạch từ mô hình Vườn rau em chăm, bữa ăn bán trú của các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp được cải thiện đáng kể. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ nguồn rau sạch từ mô hình Vườn rau em chăm, bữa ăn bán trú của các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp  (xã Pờ Tó) được cải thiện đáng kể. Ảnh: Vũ Chi
Tương tự, 358 học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó) đã dành thời gian nghỉ giải lao chăm sóc vườn rau. Để vườn rau phát triển xanh tốt, giáo viên chủ nhiệm cùng các em học sinh tham gia lao động, chỉ bày kỹ thuật chăm sóc rau đúng cách; đồng thời nghiên cứu phân chia thời gian gieo trồng phù hợp để có lượng rau liên tục thay đổi với nhiều chủng loại phong phú như: rau cải, xà lách, rau dền, rau muống… 
Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Từ nguồn hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, nhà trường triển khai “bữa cơm có thịt” cho 43 học sinh lớp 1. “Vườn rau em chăm” không chỉ là công sức của thầy và trò nhà trường, mà còn có sự đóng góp công sức của các bậc phụ huynh trong việc dẫy cỏ, vun luống, gieo hạt… Hàng tuần, trong tiết chào cờ và sinh hoạt lớp, nhà trường đều tuyên dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào. Hình thức này đã cổ vũ, khích lệ học sinh hăng say lao động và rèn luyện tính tự giác cao.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm