Đây là các hiệp hội ngành nghề sử dụng đông đảo lao động xã hội, trong đó có nhiều ngành thâm dụng lao động, như dệt may, da giày, chế biến thủy sản…
Trong văn bản trên, các hiệp hội cho rằng mức đóng quỹ hưu trí và tử tuất với tổng 25% cả doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) là quá cao so với khu vực; cao hơn rất nhiều so với Malaysia (13%), Philippines (10%), Indonesia (8%)...
Bên cạnh đó là băn khoăn về 2 phương án tiền lương tính đóng BHXH. Theo phương án 1, tiền lương tính đóng gồm lương tháng, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể. Phương án 2 tính tiền lương gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định (trừ tiền thưởng, hỗ trợ hoặc trợ cấp ngoài công việc).
Các hiệp hội trên đề xuất giảm tỉ lệ đóng BHXH đối với cả 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 nên giảm tỉ lệ đóng của NLĐ còn 5%, DN chỉ đóng 15%, tổng cộng là 20%. Với phương án 2, đề xuất NLĐ đóng 4% và DN đóng 12%, tổng cộng là 16% nhưng nên đóng dựa trên thu nhập thực tế (trừ các khoản không mang tính chất lương).
Về chế độ BHXH một lần, các hiệp hội đề xuất cho NLĐ sau 12 tháng không đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH được giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu (cho đến tuổi nghỉ hưu) và mức hưởng phải được ghi rõ tại thời điểm thanh toán BHXH một lần để NLĐ thấu hiểu.
Có thể thấy những nội dung trên đều là những vấn đề thiết thân với DN và NLĐ. Nhất là thời gian qua, sau đại dịch COVID-19, đã có hàng vạn DN lâm vào cảnh khó khăn, thiếu đơn hàng, thị trường thu hẹp, NLĐ phải nghỉ chờ việc; hàng ngàn DN phải giải thể, phá sản. Trong tình cảnh đó, nhiều DN nợ BHXH kéo dài, ảnh hưởng quyền lợi NLĐ.
Xét về cơ cấu lương và chi phí DN, các khoản trích nộp BHXH của DN và NLĐ chiếm tỉ lệ đáng kể (hiện nay là 32% cho các khoản: hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; trong đó người sử dụng lao động đóng 21,5%, NLĐ đóng 10,5% tiền lương). Trong thời điểm khó khăn vừa qua và hiện tại, nhiều DN gồng mình thực hiện nghĩa vụ này là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Thấu hiểu tình cảnh của DN, Đảng và Nhà nước thời gian qua ban hành nhiều chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội để tiếp sức DN vượt qua khó khăn, vực dậy sản xuất - kinh doanh. Nhiều địa phương cũng có cách làm thiết thực để hỗ trợ DN, giúp DN vượt khó, như thực hiện rốt ráo các gói hỗ trợ, các mô hình cà phê doanh nhân, bàn bạc, có giải pháp gỡ khó cho DN một cách kịp thời…
Trên tinh thần đó, nên tiết giảm chi phí cho DN và NLĐ, giảm mức đóng BHXH như kiến nghị là việc nên xem xét, điều chỉnh. Thời điểm này là lúc cần thiết để khoan sức dân, giúp DN và NLĐ bớt gánh nặng lo toan về các khoản đóng BHXH. Lúc này là lúc cần chia sẻ với nhau, đồng cam cộng khổ. Không chỉ nhẹ tay khi ban hành chính sách mà còn cần đưa bàn tay ra để dắt nhau qua khó khăn, vững bước trên hành trình. Việc này cũng tạo thêm động lực và niềm tin cho DN và NLĐ.