Bước chân trên "Cầu vinh quang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa xuân là ngày hội tòng quân. Khắp nơi khẩu hiệu hành động, cờ phướn, pa nô, hình ảnh cổ động, băng rôn nhằm động viên thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ. Ai ai cũng hào hứng trước sự rộn ràng vì nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, còn những người mẹ có con tham gia tòng quân thì bộn bề cảm xúc. Nỗi lo lắng cho những đứa trẻ thời 4.0 được mẹ chăm bẵm chu đáo đã thay bởi cảm xúc tự hào khi nhìn thấy bước chân con rắn rỏi bước vào bục “Cầu vinh quang” trong buổi lễ ra quân hào hùng, khí thế bừng bừng sẵn sàng tham gia huấn luyện để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Các chiến sĩ bước qua “Cầu vinh quang” lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đ.T
Mỗi cuộc chia tay luôn mang bao điều bịn rịn. Khỏi phải nói thì ai cũng thấu hiểu cảm xúc của người mẹ khi tiễn đứa con thương yêu của mình lên đường nhận nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm của mỗi công dân là trên hết, nhưng người mẹ nào cũng trào dâng niềm thương, sự lo lắng. Đoàn quân hối hả với quân phục giống nhau và những chiếc khẩu trang phòng dịch Covid-19 cũng giống nhau tới mức người mẹ nhướn người qua cánh cổng Ban Chỉ huy Quân sự để đưa mắt tìm con nhưng chẳng thể nhận ra hình dáng quen thuộc. Nhưng giai điệu hào hùng của buổi lễ cùng với hình ảnh những bước chân vững chãi bước trên cầu vinh quang đã dội vào lòng các chiến sĩ sự vững vàng, ý chí quyết tâm. Những người thân đã thấy sự trưởng thành của con em mình lúc các chiến sĩ trẻ bước qua cầu và vẫy tay chào người ở lại. Họ đã bước những bước chân tự tin và đầy ý thức trách nhiệm trên bậc cầu vinh quang, những bậc cầu thúc giục tinh thần yêu nước.
Những năm qua, “Cầu vinh quang” trở thành một phần không thể thiếu trong các buổi tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ. Chiếc cầu vinh quang không chỉ tôn vinh hình ảnh người thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, mà còn góp phần làm cho lễ giao nhận quân thêm trang trọng, ý nghĩa. Cầu không bắc qua sông, qua suối, không có những thông số kỹ thuật. Chiếc cầu được dựng lên trước lễ đài của buổi lễ giao nhận quân với ý nghĩa các chiến sĩ bước qua cầu là lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì” khi Tổ quốc cần. Phía trước cổng và phía sau cổng đều có dòng chữ: “Vinh quang là người chiến sĩ”. Chiếc cầu được trải thảm đỏ, cắm cờ và trang trí tạo vẻ trang nghiêm. Các chiến sĩ trước khi bước lên cầu đều được nhận hoa hay quà của người đưa tiễn. Đi qua bên kia cầu là đến với những chiếc xe đưa họ về với đơn vị huấn luyện. Mỗi nhịp cầu vinh quang, mỗi giai điệu hào hùng đều dội vào lòng những ý nghĩa sâu sắc, gợi lên niềm tự hào được làm người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc của mỗi thanh niên. Việc bước qua “Cầu vinh quang” đã giúp cho lớp thanh niên có thêm nghị lực để dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách nơi thao trường, kiên cường nắm chặt tay súng bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Những thanh niên ưu tú đã lên đường làm nhiệm vụ. Những cánh tay vẫy chào đã dần dần rời xa. Người mẹ tiễn con buổi ấy mang theo lòng tự hào khi nhớ về hình ảnh cây cầu với những bước chân rắn rỏi của đoàn chiến sĩ trẻ. Có lẽ không chỉ mùa xuân, có lẽ không chỉ ngày hội tòng quân mà trong lòng người mẹ ấy còn có hình ảnh cây cầu vinh quang với những bước chân chững chạc sẽ mãi là niềm tự hào ngân vang giai điệu Tổ quốc.
THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm