Cách gây quỹ Đoàn ở Đak Sơ Mei

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)_ Nhờ sự linh động, sáng tạo trong việc gây quỹ, nhiều chi đoàn ở xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) đã có nguồn quỹ khá ổn định, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn và tập hợp đoàn kết thanh niên ở địa phương.

Việc gây quỹ Đoàn luôn là bài toán khó cho tất cả các tổ chức Đoàn cơ sở. Với địa phương có đông thanh niên dân tộc thiểu số như xã Đak Sơ Mei, vấn đề này càng nan giải hơn gấp nhiều lần. Anh Đinh Vênh-Bí thư Đoàn xã Đak Sơ Mei, cho biết: “Nguồn quỹ Đoàn rất eo hẹp, trong khi hàng tháng phải tổ chức rất nhiều hoạt động. Thiếu kinh phí dẫn đến một số hoạt động không đạt chất lượng. Trước bài toán kinh phí, Ban Chấp hành Đoàn xã đã họp bàn, thống nhất và xin ý kiến cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo đó, từng chi đoàn cần linh hoạt trong gây quỹ như: trồng mì, làm cỏ và hái cà phê thuê, cho thuê rạp và âm thanh đám cưới. Sau một thời gian triển khai, 12 chi đoàn thôn, làng ở xã đều có nguồn quỹ để tổ chức các hoạt động”.

 

Dàn âm thanh của chi đoàn làng Đê Tul dùng cho thuê để gây quỹ. Ảnh: P.L

Chi đoàn làng A Droch là đơn vị nổi bật ở xã Đak Sơ Mei khi có nguồn quỹ hoạt động luôn ở mức hơn 40 triệu đồng. Năm 2012, nhận thấy quỹ đất của làng còn bỏ trống, chi đoàn đã hỏi mượn 1,2 ha để trồng mì gây quỹ. Từ ngày có rẫy mì, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong làng thay nhau chăm sóc, làm cỏ. Nhờ chăm sóc cẩn thận, rẫy mì đã mang về cho ĐVTN làng A Droch hơn 15 triệu đồng/năm. Để tăng thêm nguồn quỹ, từ số tiền tích lũy được nhờ bán mì trong 4 năm, chi đoàn đã đầu tư mua rạp và dàn âm thanh để phục vụ nhu cầu tổ chức lễ hội, phục vụ đám cưới cho người dân trong làng.

Bên cạnh đó, tiền quỹ còn được chi đoàn tạo điều kiện cho ĐVTN vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Nhờ đó mà nhiều ĐVTN đã có vốn để làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, có 3 thanh niên đang vay tiền từ nguồn quỹ của chi đoàn với số tiền 12 triệu đồng/người. Như trường hợp của anh Vên, được bố mẹ cho 1.000 cây cà phê nhưng thiếu kinh phí chăm sóc. Nhờ sự giúp đỡ của chi đoàn làng, anh Vên đã đầu tư phân bón, thuê người làm cỏ. “Nhờ số tiền chi đoàn cho vay, vườn cà phê của mình cho năng suất cao hơn trước, mình đã có vốn tích lũy. Sắp tới, mình sẽ hoàn trả vốn vay cho chi đoàn để tạo điều kiện cho các thanh niên khác vay. Mình cũng sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm cho những thanh niên có nhu cầu”-anh Vên tâm sự.

Tương tự, làng Đê Tul cũng gây quỹ Đoàn từ rẫy mì thanh niên, vận động ĐVTN làm cỏ thuê cho người dân trong làng để tăng nguồn quỹ. Ngoài ra, chi đoàn còn nhận dán băng rôn, đảm nhận các công trình của làng để gây quỹ. Hiện tại, chi đoàn làng Đê Tul đang sở hữu dàn âm thanh trị giá 45 triệu đồng; vừa cho thuê để tăng tiền quỹ, vừa để ĐVTN sử dụng vào những lúc sinh hoạt Đoàn, các chương trình văn nghệ do các ban ngành tổ chức. Từ đó, thanh niên rất hào hứng sinh hoạt Đoàn. Anh Chuê-Bí thư chi đoàn làng Đê Tul, cho biết: Lúc trước, do luôn phải chờ xin kinh phí từ cấp trên nên hoạt động Đoàn nhiều lúc bị chậm trễ. Có nguồn kinh phí ổn định rồi nên mỗi lần tổ chức hoạt động, ĐVTN cảm thấy tự tin và hào hứng hơn.

 

Chị Lưu Quỳnh Giang-Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa: “Đoàn xã Đak Sơ Mei là đơn vị rất mạnh trong việc gây quỹ Đoàn. Nếu các tổ chức Đoàn cơ sở chịu khó tìm tòi, mạnh dạn và sáng tạo như Đoàn xã Đak Sơ Mei, hoạt động Đoàn sẽ không bị “trói chân” bởi kinh phí nữa mà sẽ thực sự có hiệu quả và có chiều sâu hơn. Sắp tới, Ban Chấp hành Huyện Đoàn sẽ cố gắng nhân rộng mô hình này ở các tổ chức Đoàn còn lại trong huyện”.

Với nguồn quỹ tự tạo, các chi đoàn ở xã Đak Sơ Mei đã có thể chủ động trong rất nhiều hoạt động tại địa phương như: thăm và tặng quà các gia đình chính sách, hỗ trợ ĐVTN ốm đau hoặc lên đường nhập ngũ; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tổ chức tốt nhiều phong trào do Đoàn cấp trên phát động… Chính vì thế, mặc dù là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đông thanh niên dân tộc thiểu số nhưng hoạt động Đoàn ở xã Đak Sơ Mei được đánh giá là năng động, sôi nổi; nhiều năm liền được nhận giấy khen của Huyện Đoàn Đak Đoa vì có thành tích tốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

“Làm thế nào để có nguồn quỹ Đoàn tổ chức các hoạt động; làm thế nào để tập hợp được thanh niên” là câu hỏi mà nhiều tổ chức Đoàn cơ sở đang loay hoay tìm câu trả lời. Thiết nghĩ, những cách gây dựng quỹ Đoàn hiệu quả như ở Đoàn xã Đak Sơ Mei rất đáng để các tổ chức Đoàn trong tỉnh tham khảo, tùy vào tình hình thực tế của mỗi địa phương để áp dụng sao cho hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn và tập hợp đoàn kết thanh niên, đặc biệt là vùng có đông thanh niên dân tộc thiểu số.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm