Hoàng Quý Bình luôn cho rằng những việc mình đang làm rất bình thường. Điều mà anh luôn hướng tới, đó là phải cố gắng hết mình để hoàn thiện bản thân.
Giữa thành phố rộng lớn, ồn ào, nơi mọi thứ dường như bị dòng chảy cuộc sống cuốn đi, đang tồn tại một căn nhà đơn sơ, mộc mạc, thậm chí có thể gọi là cũ kỹ, với một con người, thoáng nhìn thì thấy một khuôn mặt dung dị, một dáng hình hoài niệm, nhưng lại ấp ủ trong đôi mắt, trong ý nghĩ những mầm non xanh biếc, những nguồn sống dạt dào. Đó là Hoàng Quý Bình, chàng sinh viên Dành cả thanh xuân để tình nguyện cho cuộc đời.
Hoàng Quý Bình tại Thư viện DFree book của mình. |
Hoàng Quý Bình được người ta biết đến qua các dự án và tổ chức thiện nguyện do anh đứng ra sáng lập. Sống ở thủ đô Hà Nội hơn 5 năm, những việc anh làm được nhiều hơn so với một sinh viên bình thường khác.
Với người khác, đó có thể là một tấm bằng đại học, một công việc ổn định, một tình yêu lãng mạn. Nhưng với Bình, đó là hai thư viện sách “đặt cọc niềm tin”, là câu lạc bộ Ngày mai tươi sáng, nơi các bạn trẻ có thể tham gia dạy học miễn phí cho các em nhỏ tại làng trẻ SOS Việt Nam, là dự án Cuộc sống xanh “Green Life” vì môi trường xanh, sạch, đẹp, và tình yêu mà anh có là thứ tình cảm giống như một gia đình.
Ở con người Hoàng Quý Bình luôn toát ra sự ấm áp, sự quan tâm ân cần. Đức Nhật, sinh viên năm nhất trường đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời cũng là cộng tác viên cho thư viện “đặt cọc niềm tin” chia sẻ.
“Lần đầu tiên em gặp anh Bình là vào lúc Đổi giấy lấy cây, em đến phân loại sách, phân loại giấy với anh ấy. Anh hỏi em rất nhiều điều, học ở đâu này, có tham gia nhiều hoạt động tình nguyện không, ước mơ của em là gì. Mình cũng chia sẻ thật lòng, cảm giác là anh ấy rất quan tâm tới người khác”, Bình nói.
Thư viện của Bình là căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn nằm trong một con ngõ trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Một ngôi nhà đã cũ kỹ, bạc màu thời gian nhưng lại có thể thu hút được rất nhiều bạn đọc tìm tới đây.
Tại đây có những cuốn sách của Bình từ hồi nhỏ, của các cộng tác viên và bạn đọc ủng hộ, đa phần đều đã ố vàng. Là những kệ sách cũ Bình xin về, những vật dụng trang trí làm từ nguyên liệu tái chế… Hôm nào, thư viện nhỏ độc đáo này cũng có bạn đọc mới ghé thăm.
Hoàng Quý Bình vận động 2 em nhỏ ở Sóc Sơn xuống Hà Nội đi học tại Làng trẻ em SOS. |
Nhiều người tới vì tò mò bởi trên đời lại có nơi không cần để lại bất cứ giấy tờ nào, cũng không cần để lại tiền mà vẫn có thể mượn sách. Cũng có người tới vì không gian yên tĩnh, thanh tịnh, nhưng trong lành, thoải mái. Họ tìm đến là để thư giãn, tìm một chốn bình yên ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp.
“Khi tới thư viện, mình cảm nhận được không khí rất trong lành và không gian rất tuyệt vời để đọc sách và sự nhiệt tình của các bạn cộng tác viên ở đấy làm cho mình cảm giác đây không chỉ là nơi để mượn sách mà còn là nơi để mình cảm nhận được sự yêu thương”, chị Thu Hương, một độc giả đến “thư viện” đọc sách chia sẻ.
Nhận được vô số lời khen, và ngưỡng mộ, nhưng chưa bao giờ Hoàng Quý Bình tỏ ra tự cao vì điều đó. Một chàng trai có dáng người cao gầy, luôn mặc những chiếc áo sơ mi rộng thùng thình, và đặc biệt thường trực trên khuôn mặt là nụ cười tươi với chiếc răng khểnh rất duyên. Anh luôn cho rằng những việc mình đang làm rất bình thường. Điều mà anh luôn hướng tới, đó là phải cố gắng hết mình để hoàn thiện bản thân.
“Mình cũng giống mọi người thôi. Cùng nhau xây dựng, tạo ra và lan tỏa những điều tử tế đến với cộng đồng. Và tự cảm thấy mình chưa đủ tốt, cũng như không đáng để được vinh danh hay là tôn vinh gì cả. Bởi vì nếu mà được vinh danh hay tôn vinh thì chỉ tổ chức của mình mới xứng đáng thôi. Bởi vì nó là sự đóng góp công sức, sự cố gắng của rất là nhiều người”, Bình cho biết.
Không thích những gì hào nhoáng, không thích được tôn vinh, ca ngợi, tất cả những gì Hoàng Quý Bình làm đều xuất phát từ mong muốn lan tỏa việc tử tế. Sống để học hỏi, trải nghiệm mỗi ngày. Và luôn nguyện dành trọn một đời để học làm người tử tế, để lan tỏa sự tử tế khắp muôn nơi, đến với tất cả mọi người.
“Giữa những nốt nhạc là âm nhạc, giữa những con người là tình yêu. Bản thân những con người và những nốt nhạc tách rời thì nó là vô nghĩa, mà ý nghĩa ở giữa chúng và giữa họ”, Bình suy nghĩ đơn giản vậy.
Chàng thanh niên 9x vẫn cứ luôn nhận mình là “ông già sinh thế hệ 7x”, tự cho mình phải theo đuổi sự học đến hết đời. Anh học vẽ, học đàn để thỏa cho niềm đam mê khám phá những điều mới lạ của bản thân.
Kim Thanh-Yến Hoa/VOV1