Chàng trai 9X say mê dân ca Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhỏ, anh Đinh Văn Tờ Rum (SN 1990, làng Tờ Nùng Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã đam mê những làn điệu dân ca Bahnar. Bây giờ thì anh thuộc lòng gần 30 bài dân ca của dân tộc mình và không ngừng lan tỏa giá trị loại hình văn hóa này đến với thanh-thiếu niên địa phương.
Làng Tờ Nùng Măng được xem là “cái nôi” của văn hóa truyền thống của huyện Kông Chro. Trong khi đám con trai trong làng say mê âm thanh trầm hùng của cồng chiêng hay nghệ thuật tạc tượng gỗ thì Đinh Văn Tờ Rum lại mê mẩn với các làn điệu dân ca Bahnar. Ngay từ năm 10 tuổi, Tờ Rum đã được nghe bố mình và những người già trong làng hát những bài dân ca Bahnar.
“Bài dân ca đầu tiên tôi được nghe là “Du kích đánh Mỹ”. Không hiểu sao đứa bé lên 10 như tôi lại có thể ngồi im hàng giờ nghe bố và già làng hát. Tôi như bị hút hồn vào những làn điệu dân ca hào hùng nhưng cũng rất da diết ấy. Ngày hôm sau, tôi ngỏ ý nhờ bố dạy hát. Bố hơi ngạc nhiên nhưng khi tôi hát lên một đoạn thì bố mỉm cười đồng ý”-anh Tờ Rum chia sẻ.
Anh Đinh Văn Tờ Rum luôn vận động và truyền cảm hứng về các loại hình văn hóa dân tộc cho các em nhỏ. Ảnh: Trần Dung
Ngày ấy, ở làng Tờ Nùng Măng, hầu như chỉ các bà, các mẹ và già làng là hát và hiểu được các làn điệu dân ca. Vì thế, việc một chàng trai trẻ ngày đêm ngân nga những bài dân ca khiến cả làng hết sức ngạc nhiên. Tờ Rum sở hữu giọng hát ngọt ngào, trong trẻo nên những bài dân ca do anh thể hiện luôn tạo cảm xúc cho người nghe.
Ngày qua ngày, Tờ Rum lớn lên cùng với làn điệu dân ca của dân tộc mình. Anh chăm chỉ tìm tòi những bài dân ca mà thế hệ trước còn lưu giữ và ghi lại vào một cuốn sổ của riêng mình. Đối với những bài khó, anh tập đi tập lại nhiều lần.
Bà Đinh Thị Huy kể: “Tờ Rum mê dân ca tới nỗi mỗi ngày đều tới nhà tôi để hỏi và ghi lại những bài dân ca mà tôi còn nhớ. Nó học cũng rất nhanh và giỏi. Chỉ cần tôi hát qua vài lần, nó ngồi im lắc lư theo. Vậy mà hôm sau nó đã thuộc và hát rất tình cảm”.
Theo già làng Đinh Têl, dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân Bahnar. Những bài dân ca đều được lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và luôn hướng con người sống nhân ái, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và biết yêu lao động để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Thế hệ sau này luôn nghĩ dân ca khó hiểu nên lười nghe và lười học. Rất may là có Tờ Rum. Nó không mê nhạc trẻ sôi động mà lại rất thiết tha với dân ca. Nếu nghe kỹ, dân ca Bahnar rất gần gũi, mộc mạc. Chỉ cần có niềm đam mê và kiên nhẫn luyện tập như Tờ Rum thì làng Tờ Nùng Măng sẽ mãi lưu giữ được làn điệu dân ca”-già làng Đinh Têl tâm sự.
Anh Đinh Văn Tờ Rum có niềm đam mê mãnh liệt với dân ca Bahnar. Ảnh: Trần Dung
Theo thời gian, cuốn sổ ghi những bài dân ca của anh Tờ Rum càng dày thêm. Đó chính là tài sản mà anh vô cùng trân quý. Ngoài đam mê tìm hiểu, anh còn có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân ca Bahnar. Với vai trò là Bí thư Chi Đoàn làng Tờ Nùng Măng, anh vận động thanh-thiếu niên trong làng nghe và tập hát dân ca.
Chị Đinh Thị Nhiên cho biết: “Sau một thời gian tập luyện, mình đã quen và thấy yêu thích hơn những bài dân ca. Đến nay, mình đã thuộc 5 bài do Tờ Rum chỉ dạy”. Với tài năng và sự nỗ lực không ngừng, thời gian gần đây, anh Tờ Rum được chọn tham gia hát dân ca tại các chương trình văn hóa-văn nghệ của địa phương. Vừa qua, anh đạt giải A tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi huyện Kông Chro lần thứ III-2021.
Chị Đinh Thị Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ya Ma-nhận xét: “Trước đây, rất ít người trẻ ở vùng đất Ya Ma thuộc dân ca. Từ khi được Tờ Rum truyền cảm hứng, nhiều thanh-thiếu niên bắt đầu tìm hiểu về các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Ngoài các dịp lễ hội thì Tờ Rum còn đưa dân ca Bahnar vang xa trong các cuộc thi. Từ niềm đam mê của mình, Tờ Rum đã nỗ lực gìn giữ những làn điệu dân ca, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian của cộng đồng người Bahnar”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm