Chàng trai gắn bó với môn bắn nỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ là một vận động viên, huấn luyện viên môn bắn nỏ, anh Nguyễn Cao Nguyên (thôn 4, thị trấn Đak Đoa) còn tạo ra những chiếc nỏ rất đặc sắc. Bên cạnh mang về những tấm huy chương quý giá cho thể thao địa phương ở các cuộc thi tài, tay nghề làm nỏ của anh còn góp phần gìn giữ môn thể thao truyền thống.
Từ tấm bé, anh Nguyên đã được sống gần vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai. Từ đấy, Nguyên đã đem lòng đam mê với môn bắn nỏ. Cậu thường xuyên mượn nỏ của người làng để tập bắn rồi mày mò cách chế tạo một chiếc nỏ cho riêng mình. Càng tìm hiểu, Nguyên càng thấy việc làm ra một chiếc nỏ có thể bắn tên chuẩn xác theo ý của “xạ thủ” là không hề dễ dàng. Do đó, khi đến tuổi thanh niên, anh lặn lội tìm đến những nghệ nhân người Bahnar để “tầm sư học đạo”. Thấy chàng trai người Kinh lại yêu thích nghề truyền thống của cha ông, những nghệ nhân không ngần ngại hướng dẫn, bởi chính những thanh niên trong làng giờ đây cũng thờ ơ, không mặn mà với việc lưu truyền nghề làm nỏ. 
“Hồi đó, mình nhiều lúc quên ăn, quên ngủ để làm một chiếc nỏ. Do bận bịu việc đồng áng nên chỉ những lúc rảnh rỗi hoặc đêm tối mình mới có thời gian để làm. Ban đầu cũng thất bại nhiều, làm xong nỏ bắn không như ý muốn hoặc chỉ được một thời gian rồi bị sai lệch, không giữ được lực bắn và độ chuẩn xác, đành phải bỏ và làm lại cái mới. Vừa cặm cụi làm, vừa phải tập luyện để kiểm tra chất lượng của chiếc nỏ nên mình quyết định đem nỏ đi thi đấu”-anh Nguyên bày tỏ.
Từ năm 2009, anh đã bắt đầu tranh tài ở các hội thi cấp huyện và sau đó là cấp tỉnh. Với sự tôi luyện và tài năng sẵn có, anh đã mang về hàng loạt huy chương. Trong đó có huy chương vàng tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn tỉnh năm 2014. Sau những vinh quang đạt được, anh đã lui về “hậu trường” để làm công tác huấn luyện. Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn vị, địa phương mỗi khi tổ chức hội thao có môn bắn nỏ liền mời anh về làm huấn luyện viên.
Anh Nguyễn Cao Nguyên (bìa trái) cùng chiếc nỏ mình làm ra và những tấm huy chương đã giành được. Ảnh: Lê Gia
Anh Nguyễn Cao Nguyên (bìa trái) cùng chiếc nỏ mình làm ra và những tấm huy chương đã giành được. Ảnh: Lê Gia
Anh Nguyên trải lòng: “Càng làm nhiều nỏ mình mới thấy càng phải học hỏi thêm. Mình thường lên mạng tìm hiểu, xin số điện thoại để liên hệ. Rất thú vị là những người mình tìm đến nhờ cậy đều vui vẻ hỗ trợ nhiệt tình từ tìm kiếm nguyên liệu đến việc chế tác”. Nói rồi anh đem ra khoe với chúng tôi một bộ sưu tập đầy tự hào về những cây nỏ làm theo nhiều nguyên liệu từ các vùng miền khác nhau như của người miền núi phía Bắc, miền Trung.
Anh Nguyên chia sẻ: “Cánh nỏ thường được làm bằng gỗ bruâh hay mto (theo cách gọi của người Bahnar) mọc trong các cánh rừng ở vùng Mang Yang, An Khê hoặc cây luồng mọc ở vùng miền núi phía Bắc. Các loại cây này phải đảm bảo độ dẻo dai, có sức bật tốt, không cong vênh để có thể bắn mũi tên bay thẳng tối thiểu ở cự ly 20 m. Dây nỏ làm từ dây gai được anh đem giống về trồng trong vườn nhà để lấy sợi hơi khi đủ độ chắc chắn. Dù có được nguyên liệu tốt, nhưng yếu tố hàng đầu chính là đôi bàn tay của người làm nỏ phải tỉ mỉ, cẩn thận kết hợp sự tinh tế”.
Hiện tại, anh Nguyên vẫn tập trung cho việc làm nỏ để phục vụ thi đấu và những người đam mê sưu tầm để làm vật trang trí. Anh chia sẻ: “Tôi rất muốn hình ảnh những chiếc nỏ truyền thống được lan tỏa, đặc biệt môn bắn nỏ được yêu mến, gần gũi với mọi người hơn. Sắp tới, tôi sẽ chế tạo nỏ để bán với giá phải chăng. Nếu tập trung làm trong 2-3 ngày, tôi có thể hoàn thành 1 chiếc nỏ”.
Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa-nhận xét: “Chúng tôi rất trân trọng và luôn tạo điều kiện để anh Nguyên có thể lan tỏa, gìn giữ môn thể thao truyền thống. Hy vọng những ý tưởng của anh sẽ giúp địa phương có thêm nhiều sản phẩm quảng bá về du lịch. Trong các lễ hội đồi cỏ hồng tại huyện Đak Đoa, môn bắn nỏ cũng được đưa vào tranh tài với sự góp sức lớn của anh Nguyên và được đông đảo bà con, du khách hào hứng đón nhận”.
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm