Thời sự - Bình luận

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Điều đó bao hàm giải pháp nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân.

Mặc dù Việt Nam hiện đang dẫn đầu về chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh và trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong hai thập niên qua.

Thế nhưng, nghịch lý là chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi.

Theo không ít đại biểu Quốc hội, rào cản thủ tục hành chính, các chi phí không chính thức vẫn như một “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh), hiện nay chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20-30% lợi nhuận, trong khi tại Singapore, con số này chỉ là 5-10%; 20,4% doanh nghiệp dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật. Thủ tục đầu tư dự án cũng rất phức tạp, phải qua khoảng 38-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2-3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản.

Những bất cập trong quy định, hệ thống quản lý gây ra sự lãng phí lớn về tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Những vướng mắc pháp lý trong quy hoạch, sử dụng đất; về cơ chế tài chính và ngân sách; về chính sách thu hút đầu tư và doanh nghiệp; về cơ sở hạ tầng, giao thông; về phát triển nông nghiệp và nông thôn… gây ra nhiều lãng phí vô hình không thể đong đếm hết được, nhất là lãng phí cơ hội, lãng phí niềm tin.

Trong bối cảnh hiện nay, nên tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai; triển khai hiệu quả giải pháp số hóa vào các quy trình hành chính để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Mỗi quy trình được tinh gọn, minh bạch, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tài nguyên và cũng là cách để Nhà nước tiết kiệm ngân sách và tối ưu hóa quản trị, bởi “một đồng chi tiêu đúng chỗ là một đồng đầu tư vào tương lai”.

Theo LÂM NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm