Chọn sự khác biệt để đạt điều khác biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cô gái ấy là một trong 26 tân bác sĩ thuộc chương trình đào tạo y Việt - Đức khóa đầu tiên của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và vừa nhận bằng bác sĩ trong lễ tốt nghiệp tại Đức.
Bác sĩ Dương Phương Thảo - Ảnh: T.PH.
Khi muốn đạt được điều gì đó khác biệt hơn, buộc chúng ta phải lựa chọn khác biệt, hành động khác biệt và chịu những khó khăn khác biệt hơn.
DƯƠNG PHƯƠNG THẢO
Nữ bác sĩ DƯƠNG PHƯƠNG THẢO mở đầu cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ bằng việc kể về duyên tình cờ đến với chương trình liên kết đào tạo đầu tiên này.
"Tôi vào trường năm 2013, cũng là năm triển khai khóa y Việt - Đức đầu tiên. Tôi chọn theo học với suy nghĩ khá đơn giản vì lớp này chỉ tuyển 50 sinh viên (so với lớp thường khoảng 200 bạn) nên chắc là việc học lý thuyết, thực tập lâm sàng sẽ thoải mái hơn, có thể tương tác với giảng viên nhiều hơn! 
Chưa kể chương trình sẽ học bằng tiếng Việt, tiếng Anh và cả tiếng Đức nên nếu học mình sẽ có thêm một ngoại ngữ mới là tiếng Đức. Chương trình học phải thỏa mãn yêu cầu của cả Việt Nam và Đức, có những môn ở Đức có nhưng Việt Nam không có và ngược lại. Điều đó đòi hỏi sinh viên phải tự học nhiều hơn" - Thảo cho biết.
Trải nghiệm mới
* Điều bạn tích lũy được trong năm học cuối cùng tại Đức là gì?
- Năm cuối thực tập tại Đức cũng là năm đầu tiên thực tập toàn thời gian, được bác sĩ ở khoa hướng dẫn và được bệnh viện trả lương. Một ngày bắt đầu lúc 7h30 và kết thúc vào 4h chiều, nghỉ trưa 30 phút. Mỗi khoa từ 1-3 SV nên tụi mình được tạo điều kiện cho học và làm khá nhiều, được tiếp cận hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, có thể tự nhận bệnh, khám bệnh và viết thư xuất viện, dĩ nhiên bác sĩ của khoa sẽ kiểm tra lại.
Những điều đó là cơ hội rất tốt để tích lũy những kinh nghiệm lâm sàng đầu đời, học được cách một bác sĩ ở Đức làm việc. Mình nhớ hoài một bác sĩ ở khoa đã nói với mình: "Đây là cơ hội cuối để bạn có thể làm mọi thứ, được phép mắc sai lầm và chưa phải tự chịu trách nhiệm trước bệnh nhân. Hãy trân trọng nó". Một năm qua phải nói là vô cùng quý giá, là hành trang để tôi bước đi với tư cách một bác sĩ.
* Có gì khác và giống nhau giữa đào tạo, làm việc trong nước và tại Đức không?
- Giống nhau là phải học và thực tập bám lâm sàng, được cầm tay chỉ việc nên việc thực tập ở bệnh viện vô cùng quý giá. Người thầy tốt nhất của SV y khoa chính là bệnh nhân. May mắn là dù ở Việt Nam hay Đức, các bệnh nhân đều hiểu, thông cảm và tạo điều kiện tốt nhất cho tụi mình học và thực tập.
Điểm khác là SV sẽ tự học là chính khi thực tập tại Đức mà không có giảng viên của trường "cắm" ở bệnh viện như trong nước, có thắc mắc gì sẽ nhờ các bác sĩ giải đáp. Mỗi khoa chỉ có vài SV nên tụi mình được đối xử như đồng nghiệp, thoải mái tiếp cận hồ sơ bệnh án, thăm khám bệnh nhân và trao đổi chuyên môn với các bác sĩ. Tụi mình chỉ có một kỳ thi cuối đợt thực tập, cũng bớt áp lực điểm số so với phải thi khi hết đợt thực tập tại từng khoa như trong nước.
Đừng lựa chọn an nhàn!
* Bác sĩ Thảo đã chọn lựa hướng đi nào cho công việc của mình?
- Ngoài thực tập nội - ngoại khoa là bắt buộc, trong năm học tại Đức mỗi SV có một khoa tự chọn để thực tập cho định hướng chuyên khoa sau này. Tôi đã chọn khoa tai - mũi - họng và hài lòng với lựa chọn của mình. Cho đến lúc này tôi sẽ học tiếp ở Đức, tận dụng cơ hội học và rèn luyện tiếp ở đây, đến khi có bằng chuyên khoa hoặc khi tay nghề đủ vững vàng tôi sẽ về. Tôi muốn làm việc ở Việt Nam hơn vì được gần gia đình. Hơn nữa y tế trong nước đang phát triển mạnh mẽ, tôi cho là có nhiều cơ hội và cần nguồn nhân lực trẻ như chúng tôi để phát triển.
Dĩ nhiên mọi thứ mới chỉ là dự định. Hiện tại tôi làm hồ sơ và chờ kết quả cho phép hành nghề ở Đức. Vì vẫn là bác sĩ người nước ngoài và chương trình học liên kết này cũng khá mới nên cần thêm một khoảng thời gian nữa để hoàn tất thủ tục được phép hành nghề ở đây.
* Tạm gọi là vừa qua hành trình của những người mở đường, Thảo muốn chia sẻ gì với những bạn đang muốn tham gia chương trình liên kết này?
- Những bác sĩ đầu tiên của chương trình này tốt nghiệp phải nói là sự nỗ lực rất lớn của cả một tập thể, bắt đầu từ những thầy cô Việt Nam và Đức đã dám nghĩ, dám làm, khai sinh ra khoa y Việt - Đức. Học y cực, chương trình này chắc sẽ còn cực hơn. Chắc chắn khi học chương trình này, bạn sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, tốn kém chi phí hơn, rủi ro thi không đạt các kỳ thi chuyển giai đoạn khá cao, thực tập xa gia đình ở nơi xa lạ với nhiều nỗi lo, nên hãy chuẩn bị thật tốt cả chuyên môn và ngoại ngữ, cả kỳ thi chuyển giai đoạn.
Nhưng đừng sợ, thất bại thì làm lại, khó khăn rồi cũng qua. Tôi từng đọc được câu "Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ" và tôi muốn nhắn lại với các bạn đi sau điều đó. Cháy hết mình và tận hưởng tuổi trẻ của mình một cách tuyệt vời nhất, rồi các bạn sẽ tìm được những người bạn, người thầy tuyệt vời, trải nghiệm tuyệt vời trong chính khó khăn vừa trải qua, để nhận ra rằng bản thân mạnh mẽ hơn mình tưởng rất nhiều. Con đường sau khi tốt nghiệp vẫn còn dài và gian nan. Tạm gọi như những người mở đường, đến lúc này có thể tự tin nói rằng chúng ta đã và sẽ làm được.
Cô bác sĩ đảng viên trẻ
Dương Phương Thảo được kết nạp Đảng năm 2018 và chuyển sinh hoạt Đảng tại chi bộ văn phòng Đại sứ quán ở Berlin trong thời gian thực tập tại Đức. Bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Hà Thanh Đạt nói đó là cô gái năng động, hết mình với hoạt động phong trào, đam mê nghiên cứu và từng đoạt giải nghiên cứu khoa học sinh viên của Bộ Y tế.
Nữ tân bác sĩ nói luôn cảm ơn những năm tháng lăn lộn với hoạt động Đoàn - Hội vì giúp cô năng động hơn, khả năng giao tiếp, hội nhập tốt hơn. "Mình từng tham gia vài chương trình giao lưu quốc tế, tiếp cận môi trường đa quốc gia, đa văn hóa, nên khi sang làm việc tại bệnh viện ở Đức có nhiều bác sĩ người nước ngoài, mình không bị bỡ ngỡ mà hòa nhập dễ dàng hơn" - Thảo chia sẻ.
QUỐC LINH (TTO)

Có thể bạn quan tâm