Chống dịch ròng rã mấy tháng chưa về nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người trẻ đã kiên cường chống dịch suốt mấy tháng qua, dù gia đình ở ngay thành phố nhưng mỗi khi nhớ cha mẹ chỉ dám đi ngang rồi đứng xa xa nhìn vào nhà...

Các thanh niên P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân lạc quan trong những ngày chống dịch
“Chuyển nhà” lên trụ sở UBND phường để chống dịch
Tằng Mành Chướng, 30 tuổi, Bí thư Đoàn thanh niên P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, mấy tháng nay ở luôn trên trụ sở UBND phường. Công việc phải đi lại, tiếp xúc nhiều, làm việc từ sáng sớm tới khuya, nguy cơ lây nhiễm cao nên anh và nhiều tình nguyện viên khác không về nhà để đảm bảo an toàn cho người thân.

Lê Đại Lâm và các bạn trong đội tình nguyện P.Tân Quý, Q.Tân Phú tham gia chống dịch. Ảnh: NVCC
Cha mẹ anh Chướng ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, khi nào nhớ cha mẹ lắm, anh Chướng chạy xe máy ngang nhà, đứng ngoài cửa ngó vào một chút rồi lại đi. “Có hôm mình mang rau, cá về cho mẹ, chỉ dám để trước cửa rồi lại chạy ra xe. Lúc mẹ ra lấy đồ, hai mẹ con nhìn nhau mấy giây, rồi mẹ vẫy tay chào, ý nói con ráng lên”, anh Chướng xúc động nói.
Anh Chướng kể mẹ anh thương con trai, nhưng không dám khóc, sợ con thấy, thỉnh thoảng bà làm mấy món ăn ngon gửi lên phường để con và các bạn bồi dưỡng. Thương cha mẹ, Chướng nuốt nước mắt vào trong, hẹn ngày hết dịch sẽ đoàn tụ.
Suốt thời gian qua, anh Chướng và các đoàn viên, thanh niên của phường đảm trách nhiều việc, từ vận động nhà hảo tâm tặng rau củ quả cho bà con có hoàn cảnh khó khăn nơi phong tỏa, đến hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng, hỗ trợ người dân tại điểm tiêm vắc xin, điều phối thanh niên tình nguyện tại các chốt trực… Công việc đầy ắp, nhất là những buổi lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, mọi người làm từ 10 giờ sáng tới 3 - 4 giờ sáng hôm sau.
Đặc biệt, ở P.Bình Trị Đông, có những đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm việc tới tận nhà đưa các F0 đi cấp cứu tại bệnh viện. Nếu trong phường có người không may qua đời vì Covid-19, những thanh niên này thực hiện trọng trách mang tro cốt người xấu số về với gia đình.
“Chúng tôi được tiếp sức bởi rất nhiều thanh niên trên địa bàn phường. Ngày thường họ là tài xế taxi công nghệ, mùa dịch không đi làm được nên đã lấy luôn xe của mình đi chống dịch cùng chúng tôi. Họ không nề hà công việc gì, từ chở y bác sĩ tới điểm làm nhiệm vụ, chở F0 đi cấp cứu cho tới đưa những bình tro cốt của người xấu số về với người thân”, anh Chướng bộc bạch.
Sút 4 kg nhưng không nản chí
Lê Đại Lâm (21 tuổi, quê Long An), Bí thư Đoàn khu phố 5, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM, đang là sinh viên năm cuối Học viện Cán bộ TP.HCM, đã ở lại nhà trọ cùng một người bạn để cùng chống dịch.
“Khu nhà trọ vắng tanh, mọi người đã về quê hết, nên chúng em yên tâm đi tham gia chống dịch rồi về nhà trọ nghỉ ngơi mà không lo ảnh hưởng tới ai. Tụi em thường đi sớm về khuya. Có những hôm đi lấy rau nhà hảo tâm gửi tặng bà con, 3 - 4 giờ sáng tụi em đã có mặt ở các bến xe”, Lâm kể.
Lâm cho biết anh trai mình cũng tham gia chống dịch Covid-19 tại biên giới Mộc Hóa, mới đây trở về nhà để chăm lo sức khỏe cho cha mẹ già. Cha Lâm từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, khi xuất ngũ ông làm công tác dân vận tại địa phương, từ đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để hai anh em Lâm yêu thích các hoạt động vì cộng đồng.
Những ngày trước, Lâm cùng đồng đội mang rau củ, nhu yếu phẩm tới bà con các khu cách ly, hỗ trợ nhập liệu ở các khu lấy mẫu trên diện rộng. 2 tuần nay, anh hỗ trợ ở điểm tiêm vắc xin, ngày nào cũng làm từ 6 - 18 giờ 30, chỉ nghỉ nửa tiếng buổi trưa để ăn cơm. Da đen sạm, người sụt 4 kg nhưng Lâm cho biết sức khỏe còn tốt là còn tiếp tục làm nhiệm vụ.
Lâm bộc bạch: “Mình nhớ cha mẹ lắm, những lúc ngồi nghỉ ngơi nghe bạn bè gọi điện cho cha mẹ là lại thấy nghẹn ngào. Cha mẹ nào cũng lo an toàn cho con khi đi chống dịch, nhưng ai cũng sợ thì ai làm nhiệm vụ, bao giờ mới hết dịch... Tụi mình dặn nhau ráng lên để TP.HCM sớm hết dịch, để gia đình nào cũng được đoàn tụ, những người xa quê như tụi mình sẽ được về thăm nhà”.
Theo Thúy Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm