“Các ngài đã đánh cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những ngôn từ sáo rỗng”. Đó là những ngôn từ mạnh mẽ mà nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới trong bài phát biểu đầy cảm xúc tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York hôm qua, gây chấn động thế giới.
Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 23/9 (Ảnh: Getty)
Khoảng 60 nhà lãnh đạo thế giới đã tham gia Hội nghị Hành động Khí hậu lần đầu tiên ở Liên Hợp Quốc, New York (Mỹ) hôm qua, do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì.
Hội nghị, diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhằm hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ban hành các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn để làm chậm các tác động của biến đổi khí hậu.
Sự kiện được tổ chức sau các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử, diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp toàn cầu vào cuối tuần qua.
Nhưng ngôi sao của sự kiện là nhà hoạt động môi trường 16 tuổi Greta Thunberg, người đã đi thuyền tới thành phố New York từ Thụy Điển trên một chiếc thuyền buồm không thải ra khí cacbon.
“Đây là điều hoàn toàn sai. Đáng lẽ ra tôi không nên có mặt ở đây. Tôi nên tới trường ở bên kia đại dương, nhưng tất cả các ngài lại tìm tới những người trẻ chúng tôi để hi vọng. Sao các ngài lại dám làm như vậy”, Thunberg nói với giọng run run khi mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị Hành động Khí hậu lần đầu tiên ở Liên Hợp Quốc, New York (Mỹ) hôm qua, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
“Các ngài đã đánh cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những ngôn từ sáo rỗng, nhưng tôi vẫn là một trong những người may mắn. Mọi người đang phải chịu đựng, đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng tất cả những gì các vị nói là về tiền và những câu chuyện cổ tích về phát triển kinh tế. Sao các ngài lại dám làm như vậy ”, Thunberg nhấn mạnh.
Nhà hoạt động trẻ tuổi sau đó chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới hành động nửa vời trong vấn đề cấp bách của thế giới, và hối thúc họ phải vào cuộc ngay tức thì.
“Trong suốt hơn 30 năm, khoa học đã rõ ràng. Sao các ngài dám tiếp tục quay đi và đến đây để nói rằng các ngài đang làm đủ rồi trong khi các giải pháp và chính sách cần thiết vẫn không thấy đâu”, cô gái trẻ nói.
“Chúng tôi sẽ luôn theo dõi các ngài”, Thunberg nhấn mạnh.
Biểu tượng chống biến đổi khí hậu
Thunberg đã trở thành gương mặt đại diện cho giới trẻ trong phong trào chống biến đổi khí hậu khắp thế giới. (Ảnh: Reuters)
Thunberg đã trở thành gương mặt đại diện cho giới trẻ trong phong trào chống biến đổi khí hậu khắp thế giới. Mới 16 tuổi nhưng cô đã tích cực tham gia nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về cuộc chiến này và hối thúc chính phủ các nước chung tay hành động để giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Thunberg đã lập ra phong trào “Những ngày thứ 6 vì tương lai” vào năm 2018 nhằm khuyến khích các sinh viên tham gia kêu gọi các chính phủ hành động về biến đổi khí hậu.
Hồi tháng 11 năm ngoái, khi đang là học sinh lớp 9, Thunberg đã thực hiện cuộc biểu tình kéo dài 2 tuần bên ngoài tòa nhà quốc hội Thụy Điển, kêu gọi chính phủ cắt giảm khí thải 15% mỗi năm. Giờ đây, mỗi ngày thứ 6 hàng tuần cô đều xuống đường biểu tình chống biến đổi khí hậu. Các nỗ lực của Thunberg đã giúp cô được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2019.
Bài phát biểu mới nhất của Thunberg đã gây tiếng vang không chỉ tại Liên Hợp Quốc. Hình ảnh và video của cô xuất hiện trên khắp báo chí thế giới.
Sau bài phát biểu thẳng thắn của Thunberg, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận sự giận dữ và cô mà các nhà hoạt động khác bày tỏ. “Tôi rất xúc động trước cảm xúc trong căn phòng này. Tôi cho rằng họ đã vạch ra một sự khẩn cấp, bức thiết mà chúng ta phải hành động”, ông nói tại hội nghị.
Các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng thế giới đang “ở trong một lỗ hổng sâu” về khí hậu và hành động khẩn cấp là cần thiết. “Thời gian đang cạn dần, nhưng không có nghĩa là quá muộn”, ông nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay Đức sẽ tăng gấp đôi cam kết tài chính lên 4 tỷ euro đối với cuộc chiến chống sự nóng lên toàn cầu.
Tổng thống Pháp nói các tổ chức quốc tế đã cam kết chi 500 triệu USD viện trợ bổ sung nhằm bảo vệ các vùng rừng nhiệt đới.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng nói mọi thứ đang thay đổi tại đất nước của bà.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự phiên họp cấp cao về khí hậu nhưng ông đã tới tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để. Một video được chia sẻ rộng rãi cho thấy Thunberg đã tỏ thái độ giận dữ khi nhìn thấy nhà lãnh đạo Mỹ.
An Bình (Dân trí/Theo BBC, Guardian)