Cô giáo vận động từng bữa ăn có thịt cho học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cô giáo Trần Thị Cư có lý do để chọn điểm trường xa nhất nằm trên đỉnh trời Ngọc Linh (Quảng Nam) gieo chữ và chịu khó xin từng bữa ăn có thịt cho học trò, kêu gọi kinh phí xây trường.

Cô Trần Thị Cư đang phát sữa cho học sinh- Ảnh: MẠNH CƯỜNG



Khi cô giáo đi... xin

Cái nghèo vẫn đeo bám những bản làng nằm trên đỉnh Ngọc Linh (H.Nam Trà My, Quảng Nam). Nhưng ở vùng đất có độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, con chữ vẫn đang được ươm mầm bởi những giáo viên cắm bản nặng lòng, tâm huyết với nghề.

Lần đầu tiên chúng tôi gặp cô giáo Trần Thị Cư (25 tuổi, ở H.Bắc Trà My, Quảng Nam) khi chị đang dạy tại điểm trường Tắk Ta - Mang Liệt (ở thôn 4, xã Trà Nam, H.Nam Trà My). Chẳng ai nghĩ bên trong cô gái có vóc người nhỏ bé này lại ẩn chứa niềm tin mãnh liệt đến vậy. Năm 2016, tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam chuyên ngành mầm non, chị chọn điểm trường xa nhất của H.Nam Trà My để đến giảng dạy.

“Hình ảnh những đôi mắt ướt nhòe, những đôi chân trần lấm lem bùn đất, co ro trong cái lạnh của xứ núi cứ ám ảnh suốt trong đầu tôi. Rồi cứ thế, tôi về đây để chia sẻ với các em. Cứ như một chữ duyên vậy”, Cư mở đầu câu chuyện.

Niềm trắc ẩn đã khiến chị Cư có thêm động lực mới: Từng ngày đi xin các nguồn tài trợ để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Bữa cơm có thịt, tưởng chừng như là điều đơn giản đối với học sinh ở miền xuôi, nhưng đôi khi lại quá xa lạ ở vùng cao. “Những lần cùng các cô trong trường tìm về nhà học sinh để vận động đi học, tôi từng chứng kiến 3 - 4 đứa trẻ ăn cơm với chén muối ớt được giã nát”, chị mủi lòng nhớ lại.

Thông qua mạng xã hội và các mối quan hệ bạn bè, cô giáo Cư đã lập một chương trình “Vì bữa cơm cho trẻ vùng cao”, kêu gọi mọi người giúp đỡ. Điểm trường Tăk Ta - Mang Liệt có hình thức bán trú (chỉ ăn cơm buổi trưa, với kinh phí hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/học sinh, nếu chia cho 22 bữa ăn thì trung bình mỗi suất cơm trưa chỉ hơn 5.000 đồng.

“Ban đầu, tôi chỉ mong có những bữa ăn cải thiện. Nhưng sau đó nguồn tài trợ ổn định và cứ thế bữa ăn các em phong phú hơn. Hiện tại, mỗi tháng tôi vận động được 10 triệu đồng để phục vụ bữa ăn cho học sinh”, cô giáo Cư nói.


 

Điểm trường tại xã Trà Giang, nơi cô giáo Cư vận động kinh phí xây dựng





Đủ đầy yêu thương

Không chỉ lo cho bữa cơm có thịt của học sinh, cô giáo Cư còn đi xin tiền tài trợ để xây dựng trường học. Khi mới đặt chân lên vùng cao, tận mắt chứng kiến những điểm trường tre nứa lá chật chội, nhìn học sinh chen chúc ngồi học, dột nát vào mùa mưa..., chị không đành lòng. Thế rồi, cô giáo trẻ lại tiếp tục hành trình đi “xin” trường cho trò. Mùa hè 2019, thay vì về quê như mọi năm, cô giáo Cư đã ở lại trên bản cùng với nhóm bạn để... xây dựng ngôi trường gồm 3 phòng tại xã Trà Giang (H.Nam Trà My), tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Ngôi trường dành cho học sinh mầm non và tiểu học này đã kịp khánh thành trong tháng 8.

Nhớ lại những ngày xây trường trên con dốc cao dựng đứng thật vất vả. Không thể dùng xe vận chuyển vật liệu lên, nhóm bạn lại phải tìm người gùi cõng. “Muốn cõng được vật liệu lên đó, phải đi bộ gần 1 giờ đồng hồ. Đành phải nhờ vào người dân. Sau khi trường hoàn thành, chúng tôi đã có những phần quà thay lời cảm ơn đối với người dân”, cô giáo Cư nói.

Cô giáo Cư chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến từng bộ áo quần, đôi dép, điểm học tập... cho học trò. Chỉ có tình yêu thương đủ đong đầy mới có thể làm được. Cô giáo cứ như đóa lan rừng, bình dị thân thuộc nhưng khoe sắc kín đáo. Cô tâm sự, mỗi lần nhìn thấy các em co ro trong cái lạnh, đôi mắt ướt nhòe vì nước mưa..., trong cô trỗi dậy niềm thương mến. Phải tìm cách cho trẻ mặc ấm hơn, mỗi buổi chiều đều có sữa uống..., ý nghĩ ấy cứ thôi thúc cô hành động.

“Ở đây, cô trò cứ như chị em trong một nhà. Các cô phải trang bị đầy đủ kiến thức để xử lý trong từng tình huống mỗi khi các em sốt, đau bụng hay có biểu hiện bệnh tật. Lâu thành quen. Giờ mọi việc cũng đã dần ổn định”, cô giáo Cư cười bảo.

Cô giáo Lê Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trà Nam, cho hay 4 năm trước, điểm trường này chỉ có những tấm ván ghép để che mưa nắng, và cô trò cùng tá túc ở đó. Đến mùa lạnh, gió lùa tứ bề. Có lúc vì quá lạnh, học sinh chỉ còn biết co cụm về một góc để chống rét.

“Bây giờ đổi thay nhiều rồi. Trường đã được xây kiên cố, sạch sẽ, khu nhà ở bán trú cho học sinh cũng khang trang hơn. Tất cả nhờ vào sự nhanh nhạy của các cô giáo, đặc biệt là cô giáo Cư, để học sinh có được bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và một ngôi trường mới”, cô Thanh nói.

MẠNH CƯỜNG (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm