(GLO)- Mấy hôm nay tôi lại háo hức với việc chuẩn bị sách vở, áo quần cho các con đến trường sau những tháng nghỉ hè. Cả chuẩn bị bài vở cho mình để sẵn sàng cho những giờ lên lớp.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Sau kỳ nghỉ, nhìn đám trẻ như lớn hẳn lên. Gương mặt ai cũng tươi vui, háo hức vì được gặp lại bạn bè sau bao ngày xa cách. Chúng say sưa chuyện trò như thể lâu lắm rồi không được gặp nhau. Chúng kể về những chuyến đi chơi xa với những khám phá mới đầy bất ngờ, thú vị; về những ban nhạc, những bài hát đang “hot”; cả về xu hướng thời trang của giới trẻ mà chúng quan tâm... Trẻ con bây giờ có điều kiện để học tập và phát triển, được quan tâm và đầu tư cho học hành, chúng thông minh và nhạy bén, khác hẳn thế hệ chúng tôi ngày trước.
Công việc giúp tôi thường xuyên tiếp xúc với trẻ con, được chứng kiến những khoảnh khắc chúng bỡ ngỡ, rụt rè bước chân vào trường; nhìn chúng lớn lên mỗi ngày, cứng cáp dần qua thời gian; rồi sống cùng những phút giây chúng bịn rịn chia tay bạn bè, thầy cô, trường lớp. Ngày ngày nhìn chúng hồn nhiên vui chơi, những trò chơi của “thế giới thứ ba”, chỉ xếp sau “ma quỷ”, tôi luôn tìm thấy mình trong những hình ảnh ấy. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi thời đi học là thời hoa niên. Lứa tuổi hoa ấy chính là quãng thời gian đẹp nhất đời người, dẫu có thể không tránh khỏi những nông nổi, dại khờ, thậm chí cả những vấp ngã đầu đời. Nhưng có hề gì, bởi những điều ấy càng làm chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Tôi giờ đã là phụ huynh của những đứa trẻ tuổi “teen”. Thỉnh thoảng tôi kể cho các con nghe về thời đi học của mình. Lâu lâu chúng ồ lên thích thú: “Chúng con cũng vậy mẹ ạ”. Tức là các con tôi đang bước đi trên con đường mà khi xưa tôi đã đi, cũng ngân nga những bài hát chúng tôi từng hát, tham gia những trò chơi chúng tôi từng chơi, thậm chí là cùng chung cả những ý nghĩ mà chúng tôi từng theo đuổi... Vòng thời gian đang lặp lại theo chu kỳ của nó khi lứa măng non đang lớn dần. Tôi thầm biết ơn những tháng ngày ấy đã cho tôi những trải nghiệm, để giờ tôi có thể trò chuyện với các con, với học trò một cách gần gũi, thân tình như với những người bạn nhỏ.
Mấy chục năm rồi mà những câu văn đầy chất thơ của Thanh Tịnh vẫn chứa chan những xúc cảm dịu êm khi trang sách đầu tiên của năm học mới mở ra. Tôi thường phải cố gắng lắm mới kiềm chế được sự xúc động, để có thể cất lên giọng đọc thật thiết tha: “Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Trang sách mới đã mở ra, năm học mới bắt đầu, cũng chính là bắt đầu mở ra những chân trời kỳ diệu của biết bao nhiêu điều mới mẻ. Tôi đã từng được mẹ nắm tay dẫn vào lớp, cái nắm tay âu yếm ấy giờ đây tôi dành để nắm tay các con mình, cả học trò của mình bước trên con đường đi học. Bởi tôi biết, con đường ấy đẹp đẽ vô cùng.
Đào An Duyên