Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Ðảng viên trẻ người dân tộc thiểu số, luồng sinh khí mới từ cơ sở-Kỳ cuối: Phát huy sức mạnh văn hóa gắn kết cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với niềm đam mê và sự sáng tạo của các đảng viên trẻ, nhiều nghề truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai từng bước hồi sinh. Đó cũng là cách giới trẻ bày tỏ tình yêu của mình với văn hóa truyền thống của dân tộc. Chị Rơ Mah H’Dịu (SN 1996)-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) là một ví dụ điển hình.

Gần 2 năm là Bí thư Đoàn xã, chị H’Dịu nhận thức rõ vai trò thủ lĩnh thanh niên của mình. Với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo của bản thân, chị H’Dịu đã triển khai các hoạt động, mô hình gắn với sự phát triển của xã Ia Kriêng nói riêng và huyện Đức Cơ nói chung. Chị tập hợp 15 nữ thanh niên trong xã để thành lập Câu lạc bộ Xoang và thành lập Câu lạc bộ Đàn t’rưng với 25 thành viên. Đặc biệt, bằng tình yêu với nghề đan lát truyền thống của dân tộc Jrai, chị đã dành nhiều tâm sức để xây dựng Dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên”. Nhờ đề ra mục tiêu cụ thể, kế hoạch triển khai rõ ràng, có tính khả thi cao nên dự án của chị đã đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Gia Lai lần thứ VI-2022 do Tỉnh Đoàn tổ chức. Đặc biệt, dự án đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023” do Trung ương Đoàn tổ chức.

Với mong muốn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ trong làng và bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai, nữ đảng viên Rơ Châm H’Panh (SN 1991, làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đã mạnh dạn xây dựng ý tưởng “Dệt thổ cẩm kèm theo dịch vụ ẩm thực truyền thống của người Jrai”. Nói về ý tưởng của mình, chị H’Panh bộc bạch: “Trong nhịp sống hiện đại, dệt thổ cẩm trong làng cũng thưa vắng dần, trong khi các bạn nữ không mấy mặn mà với các khung dệt. Để cộng đồng làng cùng chung tay giữ gìn, phát huy nghề truyền thống, tôi đã tập hợp mọi người thành lập tổ dệt thổ cẩm, tổ ẩm thực Jrai vào năm 2019. Các mô hình này mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn giá trị văn hóa truyền thống”.

Tham gia tổ dệt thổ cẩm, chị Rơ Châm Hyan cho hay: “Thay vì mỗi người tự dệt, tự tiêu thụ sản phẩm như trước đây, chúng tôi đã tập hợp lại thành tổ dệt. Dưới sự quan tâm giúp đỡ của chị H’Panh, tổ dệt đã thực sự trở thành nơi sinh hoạt đầy bổ ích cho phụ nữ trong làng. Có sự tập hợp, đoàn kết nên việc xây dựng thương hiệu cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm của chị em được dễ dàng và thuận lợi hơn”. Đến nay, tổ dệt thổ cẩm làng Bồ có 12 thành viên. Để sản phẩm dễ dàng tiêu thụ trên thị trường, các chị em nỗ lực sáng tạo ra nhiều mẫu dệt, hoa văn mới. Với vai trò là Tổ trưởng, chị H’Panh đã tích cực quảng bá sản phẩm dệt trên mạng xã hội Facebook, Zalo… để dễ dàng tiếp cận khách hàng gần xa.

Ông Puih Rúc-Bí thư Đảng ủy xã Ia Yok-cho biết: “Chị Rơ Châm H’Panh là đảng viên trẻ có nhiều cách làm mới mẻ, sáng tạo khi đứng ra thành lập tổ dệt thổ cẩm làng Bồ. Là thành viên nhỏ tuổi nhất và cũng nhiều tâm huyết nhất, chị H’Panh là “cầu nối” giữa tổ dệt với các cấp, ngành. Để từ đó, nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cũng được mở ra.

Những năm qua, chính quyền xã Tú An (thị xã An Khê) dành nhiều sự quan tâm cho Tổ dệt truyền thống của xã do đảng viên trẻ Hồ Thị Viên (SN 1991, làng Pơ Nang) thành lập. Chị là hạt nhân nòng cốt liên kết, hướng dẫn, truyền dạy và cùng mọi người dệt thổ cẩm. “Với sự hỗ trợ của địa phương, chúng tôi phấn đấu đưa thổ cẩm xã Tú An thành sản phẩm OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thêm thu nhập cho bà con. Đây cũng là động lực góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-chị Viên cho biết.

Chị Viên được xem là người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa của dân tộc Bahnar cho thế hệ trẻ ở xã Tú An. Từ nhỏ, chị đã ngồi cùng bà và mẹ để học từng mũi kim, đường dệt. Tình yêu ấy dần lớn lên theo năm tháng. Đối với chị, dệt thổ cẩm không chỉ là đam mê mà còn là sự trao truyền, tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống của các thế hệ.

Từ 10 thành viên ban đầu, Tổ dệt truyền thống xã Tú An hiện đã có hơn 50 chị thuộc nhiều thế hệ tham gia. Họ cùng chung tâm huyết gìn giữ văn hóa dân tộc. Để tìm đầu ra, chị Viên đã chuyển hướng sang làm các sản phẩm thông dụng từ chính các tấm thổ cẩm có hoa văn truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như: vòng cổ, vòng tay, túi đựng điện thoại, túi đựng laptop, móc khóa, khăn trải bàn, khăn quàng cổ… Sáng kiến này của chị đã được các thành viên trong tổ dệt ủng hộ và quyết tâm làm theo. Từ đó, những sản phẩm đẹp mắt, vừa có tính ứng dụng cao, lại đậm đà bản sắc được nhiều khách hàng yêu thích và tìm mua. Chị Đinh Thị Ram phấn khởi nói: “Nhờ có chị Viên hướng dẫn mà tổ dệt hoạt động rất tốt. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ các cách dệt đẹp, sáng tạo”.

Cũng như chị Viên, chị H’Dịu luôn định hướng rõ mục tiêu của Dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên” là bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; đồng thời tạo việc làm cho thanh niên địa phương nhằm cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Không chỉ mang giá trị tinh thần trong việc duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa của người Jrai, dự án còn đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2024 tạo việc làm cho 20 đoàn viên, thanh niên.

Theo đánh giá của Tỉnh Đoàn, hầu hết đảng viên trẻ người DTTS trưởng thành từ những ngôi làng trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 ngàn thanh niên, trong đó, thanh niên người DTTS chiếm trên 52%. Để tạo “hạt nhân” trong các phong trào thi đua, các tổ chức cơ sở Đoàn đã có nhiều giải pháp nhân rộng điển hình và giới thiệu thanh niên ưu tú người DTTS cho Đảng xem xét kết nạp. Cùng với đó, để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong đảng viên trẻ người DTTS, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trong phong trào “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Hàng năm, các hoạt động tập huấn, diễn đàn, tuyên dương gương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu được Đoàn-Hội các cấp quan tâm tổ chức để tạo cảm hứng, cổ vũ thanh niên DTTS tự tin khởi nghiệp. Nhiều chương trình hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp được Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức thường xuyên và hướng về cơ sở. Bên cạnh đó, những mô hình, gương điển hình phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng được tổ chức Đoàn-Hội các cấp đẩy mạnh giới thiệu, tuyên truyền, đăng tải thường xuyên trên mạng xã hội Facebook, Zalo để thanh niên theo dõi, chia sẻ, học tập và lan tỏa trong cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm