Điểm tựa tinh thần của người lính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biết bao người mẹ, người vợ ở hậu phương đã thầm lặng gánh vác việc gia đình để trở thành điểm tựa tinh thần giúp người lính hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vừa làm mẹ, vừa làm bố
Khi chúng tôi đến thăm nhà, chị Nguyễn Thị Bắc-vợ Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phan Thành Trung-Phó Trạm trưởng Trạm sửa chữa tổng hợp (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đang chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Chị chia sẻ: “Vợ chồng tôi quen biết nhau cách đây 27 năm. Khi ấy, tôi là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trong một lần anh đến trường chơi. Sau 1 năm tìm hiểu, tình cảm của chúng tôi ngày càng nồng thắm và quyết định tiến đến hôn nhân”. Là người lính, anh Trung thường xuyên vắng nhà nên mọi công việc trong gia đình đều do chị Bắc gánh vác. “Làm vợ lính, có lúc tôi cảm thấy cô đơn, trống trải vì không có chồng bên cạnh. Tủi thân nhất là lúc mẹ ốm, con đau, một mình tôi thay anh lo toan hết. Thế nhưng, tôi tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ, vững vàng để anh an tâm công tác”-chị Bắc tâm sự.
Chị Phùng Thị Ngọc dạy con học bài. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cũng như bao đồng đội khác, do nhà ở xa (thôn Lệ Kim, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) nên hầu hết thời gian, Đại úy Nguyễn Văn Thái-Trợ lý tổ chức Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đều ở đơn vị. Chị Phùng Thị Ngọc phải thay chồng lo cho 2 người con. Anh Thái cho biết: “Nhà ở xa nên tôi ít có thời gian về thăm vợ con. Ở nhà, vợ phải chăm lo mọi việc gia đình. Đôi lúc tôi cũng thấy có lỗi, nhưng may là vợ luôn thấu hiểu và động viên nên tôi yên tâm công tác”.
Thương chồng mà vượt khó
Thượng úy Bùi Thị Loan-Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Hiện nay, Hội Phụ nữ đơn vị có 16 hội viên thì 9 hội viên lấy chồng công tác trong các đơn vị quân đội phải thường xuyên công tác xa nhà. Dù phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng các chị em luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nhiều cán bộ, chiến sĩ có vợ công tác ngoài ngành cũng luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lấy chồng hơn 10 năm cũng là chừng ấy thời gian Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Hà Thị Thu Huyền-nhân viên Văn thư bảo mật (Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) thay chồng nuôi dạy 2 đứa con thơ và làm tròn bổn phận với 2 bên nội, ngoại. Bởi lẽ chồng chị-Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Phúc Long là nhân viên Đội K52 thường xuyên phải xa nhà để tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Tuy khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi chúng tôi nhắc đến anh Long, chị Huyền đều nở nụ cười hạnh phúc.
Chị cho biết: Chị rất hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Hầu như mỗi năm, anh ở nhà chỉ được mấy tháng, còn lại mọi việc gia đình đều do chị đảm nhận. Là phụ nữ, ai cũng muốn chồng ở nhà để cùng chia sẻ khó khăn với mình. Nhưng nếu ai cũng nghĩ vậy thì còn ai để làm nhiệm vụ. “Đôi lúc tôi cũng có những phút chạnh lòng, nhưng chỉ chốc lát rồi lại thôi. Công việc ở cơ quan cũng rất nhiều, dù bận rộn suốt ngày nhưng tôi luôn cố gắng làm tròn thiên chức người mẹ nuôi dạy con cái để anh yên tâm công tác”-chị Huyền tâm sự.
Thượng úy Hà Thị Thu Huyền (bìa trái) đang cùng các chị, em trong đơn vị chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tại Quân đoàn 3, nhiều cán bộ có vợ, con đang ở các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm, họ chỉ được về phép một lần để thăm gia đình, nhưng nhiều người vì nhiệm vụ không thể nghỉ phép. Để giúp các cán bộ yên tâm công tác, ngoài thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương quân đội, Quân đoàn 3 còn xây dựng các nhà công vụ và nhà khách để đón tiếp thân nhân, vợ con cán bộ vào thăm chồng có chỗ ăn ở, sinh hoạt. Đại tá Nguyễn Thanh Phong-Phó Chính ủy Quân đoàn-chia sẻ: Để động viên cán bộ yên tâm công tác, cũng như chia sẻ khó khăn với hậu phương, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có những chính sách cụ thể như tạo điều kiện nghỉ phép, đón người thân vào đơn vị thăm.
VĨNH HOÀNG - KIM HỒNG
 

Có thể bạn quan tâm