Đức Cơ gian nan quản lý người sau cai nghiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Đức Cơ, Gia Lai diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là việc quản lý người sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Nhiều khó khăn
Ông Trương Văn Độ-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho biết: Tính đến cuối tháng 9-2018, huyện Đức Cơ có 38 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 10 đối tượng so với năm ngoái. Tuy vậy, trên thực tế, số người nghiện còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện còn nhiều hạn chế, một số gia đình và chính bản thân người sau cai nghiện chưa thực sự hợp tác với cơ quan chức năng. Cùng với đó, sự kỳ thị của một số người xung quanh với đối tượng khiến công tác giám sát, quản lý và hỗ trợ người sau cai nghiện ở nơi cư trú vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Hướng dẫn cho cán bộ huyện Đức Cơ cách tiếp cận, vận động người nghiện từ bỏ ma túy. Ảnh. Đ.Y
Ông Nguyễn Hồng Cường-công chức phụ trách lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội xã Ia Krêl-cho biết: Xã có 13 đối tượng nghiện đang được quản lý hồ sơ tại nơi cư trú. Điều đáng lo ngại là số người nghiện ma túy là thanh-thiếu niên thường tụ tập thành tụ điểm, chủ yếu hoạt động hút chích về đêm. Cuộc sống người dân trên địa bàn xã trở nên bất an khi ma túy len lỏi về các làng. Bà Trương Thị Chuyển-Trưởng thôn Ia Lâm Tok (xã Ia Krêl) trăn trở: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận đối tượng nghiện. Khi cán bộ đến tiếp cận giúp đỡ thì người thân lại tìm cách che giấu. Điều này khiến cho công tác quản lý đối tượng thêm khó khăn”.
Thị trấn Chư Ty hiện cũng có 7 đối tượng nghiện ma túy đang được quản lý tại địa phương. “Địa phương cũng rất khó tiếp cận các đối tượng nghiện ma túy, vì họ không ở một địa chỉ mà di chuyển nhiều nơi. Gia đình có người nghiện ma túy lại không hợp tác nên rất khó quản lý và hỗ trợ”-bà Nguyễn Thị Kim Sinh-công chức phụ trách lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội thị trấn Chư Ty-cho hay.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ông Trương Văn Độ-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành quyết liệt, thường xuyên, hỗ trợ hết khả năng nhằm tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tiến bộ, hòa nhập cộng đồng, tránh tái nghiện. Việc quản lý, giáo dục đối tượng sau cai nghiện trở về địa phương cần được giao cho các ngành, các tổ chức đoàn thể, quan trọng là tạo điều kiện để họ được học nghề, có việc làm ổn định nhằm hạn chế tái nghiện, tái phạm”.

Những năm qua, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trên địa bàn huyện Đức Cơ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, một số đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện Đức Cơ sau cai nghiện lại thường xuyên vắng nhà, nơi cư trú không ổn định khiến việc kiểm soát và quản lý gặp nhiều khó khăn. “Do đó, cần sự tham gia, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, gia đình và toàn xã hội; sử dụng đồng bộ các biện pháp và tiến hành quyết liệt, thường xuyên để tạo điều kiện cho người sau cai tiến bộ, hòa nhập cộng đồng, tránh tái nghiện”-ông Trương Văn Độ cho biết.
Mới đây, tại lớp tập huấn công tác phòng-chống ma túy và quản lý người nghiện sau cai nghiện cho cán bộ cơ sở và người có uy tín trên tại huyện Đức Cơ, ông Nguyễn Văn Hải-Trưởng phòng Phòng-chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền phòng-chống ma túy phải được tiến hành một cách thường xuyên, đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là trong giới trẻ. Nếu có thể, nên lồng ghép với các nội dung tuyên truyền khác ở địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn, triệt phá tụ điểm ma túy phải được tăng cường. Chính quyền các xã, thị trấn trọng điểm về ma túy cần  tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý, lập hồ sơ người nghiện để quản lý, giáo dục, đưa vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy của tỉnh”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm