Đức Cơ: Sân trường rộn tiếng chiêng ngân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ, Gia Lai đã mở các lớp truyền dạy cồng chiêng tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Đây là cách làm thiết thực nhằm giúp huyện biên giới có thêm thế hệ kế cận lưu giữ vốn quý văn hóa truyền thống. 
Khơi dậy tình yêu cồng chiêng
Thời gian gần đây, thay cho bài tập thể dục giữa giờ ra chơi, 150 học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ đã được hòa mình vào âm điệu của bài nhạc chiêng “Lễ hội buôn làng”. Những người giữ nhịp cồng chiêng là các em học sinh nam được tuyển chọn từ 4 khối lớp, còn các em nữ múa xoang. Trải nghiệm thú vị này được học sinh đón nhận ngay từ những ngày đầu tiên khi lớp học cồng chiêng được tổ chức tại ngôi trường được các em coi là ngôi nhà thứ 2.
Em Rơ Mah Him (học sinh lớp 8) được nghệ nhân Khươu chọn là người giữ nhịp trống cho các bài chiêng hào hứng chia sẻ: “Chúng em luôn chờ đợi những buổi học cồng chiêng diễn ra vào cuối tuần. Ở làng Sung Lớn (xã Ia Dơk-P.V), em cũng được vào đội cồng chiêng của làng nhưng chỉ được chơi chiêng nhỏ. Trong thành phần đội cồng chiêng của trường, lần đầu chơi trống, em rất thích. Em được già Khươu chỉ dạy về nhịp trống cũng như cách đánh sao cho tiếng trống vang xa”. Còn em Rơ Châm Thiệp (lớp 6) cũng rất thích thú khi được già Khươu tin tưởng giao nhiệm vụ giữ nhịp chiêng nhỏ. Thiệp vui vẻ nói: “Bây giờ, em có thể cùng các anh lớp lớn chơi hoàn chỉnh một số bài chiêng như: “Lễ hội buôn làng”, “Mừng lúa mới”.
Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ rất hào hứng khi được chơi cồng chiêng. Ảnh: N.G
Hứng thú, tiếp thu nhanh là đánh giá chung của thầy Trương Thanh Lợi-giáo viên Âm nhạc Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ-về các em học sinh tham gia học cồng chiêng, múa xoang. “Đa phần cồng chiêng đã “ăn” vào máu thịt nên các em học tập rất nhanh. Với mỗi bài chiêng, thường các em chỉ cần tập khoảng 2 ngày là có thể chơi được rồi”-thầy Lợi cho biết.
“Cần nhanh chóng tạo nguồn”
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ. Theo ông Quốc Anh, nếu không kịp thời truyền dạy thì văn hóa cồng chiêng tại huyện biên giới Đức Cơ sẽ mai một rất nhanh. Ông Quốc Anh nêu lý do: “Thứ nhất, những nghệ nhân cồng chiêng thực thụ tại địa phương chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thứ hai, thế hệ trẻ tiếp thu quá sớm và nhanh những văn hóa, nghệ thuật đương đại bên ngoài làng xã. Bên cạnh đó, việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ bị xao lãng ngay tại thôn làng, đẩy sự mai một văn hóa dân tộc bản địa nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng đến mức báo động”.
Trước thực trạng này, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ cho rằng, trường học chính là nơi lý tưởng để truyền dạy, gìn giữ văn hóa bản địa. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí mua sắm nhạc cụ, phục trang, thuê nghệ nhân truyền dạy... Do đó, sự chung tay giữa các ngành, các địa phương là rất cần thiết. “Chúng tôi lồng ghép các tiết học cồng chiêng vào các buổi ngoại khóa, sinh hoạt nội trú và thời gian nghỉ cuối tuần của học sinh sao cho không ảnh hưởng đến lịch học chính khóa của các em. Cách chọn học sinh vào đội cồng chiêng theo hình thức gối đầu nhằm mục đích tiếp nối, không bị gián đoạn khi từng lứa học sinh ra trường. Việc mời nghệ nhân truyền dạy còn nhằm mục tiêu phát hiện những học sinh có tố chất, đầu tư truyền dạy nâng cao để tạo nguồn về sau. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình phối hợp này tại nhiều trường học khác trên địa bàn huyện. Ngoài ra, không gian truyền dạy dự định sẽ được tổ chức tại công viên văn hóa huyện, nhà rông và trung tâm học tập cộng đồng tại các làng để tạo sức lan tỏa lớn hơn”-ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
Tâm huyết với di sản, với văn hóa cồng chiêng, nghệ nhân Khươu không khỏi lo lắng trước sự mai một vốn quý. “Trong quá trình truyền dạy, tôi thấy nhiều cháu rất đam mê, có năng khiếu, nếu được đầu tư sẽ thành công, sẽ là thế hệ kế cận lưu giữ vốn quý văn hóa bản địa. Ngày càng ít người biết chơi cồng chiêng là điều rất đáng lo ngại. Bởi vậy, hễ nơi nào cần người truyền dạy là tôi luôn sẵn sàng”-nghệ nhân Khươu bộc bạch.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm