"Gấu bông" kiếm sống nơi thị thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi tối, khi Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) sáng rực ánh đèn, người dân tập trung về đây mỗi lúc một đông cũng là lúc các bạn trẻ trong hình dáng những chú gấu bông ngộ nghĩnh xuất hiện. Các bạn diễn trò mua vui, chụp hình với khách để tranh thủ bán những cây kẹo giá 10.000 đồng/cây.
Người dân đi dạo ở Quảng trường đã khá quen với hình ảnh những chú gấu bông di động với rổ kẹo hấp dẫn trên tay. Đó là một nhóm 4 bạn trẻ tại Pleiku, người nhỏ nhất năm nay học lớp 8, lớn nhất đã 20 tuổi. Họ đến với công việc này phần vì tình yêu trẻ nhỏ, phần mong muốn kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Và hình ảnh những chú gấu xinh xắn, vui nhộn đã góp phần làm cho Phố núi thêm phần đáng yêu, đáng nhớ.
Em Nguyễn Thị Mỹ Châu (xã Diên Phú, TP. Pleiku) là một trong 2 thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm. Hiện Châu là học sinh lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn thành phố. Châu cho biết, em làm công việc này gần 1 năm nay. Buổi sáng, em đến trường. Chiều, em tranh thủ học bài ở nhà để tối đi bán kẹo. Ba mẹ Châu đều làm nông, cuộc sống cũng tạm ổn nhưng em vẫn muốn đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trước đó, trong một lần đi dạo, em tình cờ gặp các chị trong nhóm và thấy thích thú nên xin làm cùng. Bộ đồ em mặc cũng do ba mẹ mua cho với giá 800 ngàn đồng. “Mỗi tối, em bán được khoảng 20-30 cây kẹo, mỗi cây lãi được 5.000 đồng. Đi làm thêm giúp em thấy được giá trị của đồng tiền kiếm được, thấy thương cha mẹ thật nhiều và tự hứa phải cố gắng học tập tốt để không phụ công cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ”-Châu bộc bạch.
Nhóm bạn trẻ trong hình dáng những chú gấu bông ngồi nghỉ giải lao. Ảnh: N.H
Khách hàng của nhóm là các em nhỏ và các bạn trẻ. Từ xa, thấy mấy chú gấu bông ngộ nghĩnh là nhiều em nhỏ liền chạy ùa tới túm tay, túm chân, nhiều em đòi bế, đòi mượn cả cái đầu gấu bông to bự đội lên đầu. Các bé vui khiến các bạn gấu cũng vui theo. Nào bế, nào chụp hình, nào nhảy múa… “Nhìn các em nhỏ tươi cười, vui vẻ, cảm giác thật hạnh phúc”-bạn Lê Thị Thu Thảo chia sẻ. Thảo là bạn cùng lớp và cũng gần nhà Châu. Cả 2 như một cặp đôi hoàn hảo, hỗ trợ nhau rất ăn ý. Thảo tâm sự: “Nhiều khi nô đùa với các bé toát hết mồ hôi nhưng vẫn không bán được kẹo. Nhiều người còn nói khó nghe như “ra tạp hóa mua cho rẻ”. Nhưng chúng em không để tâm, vui là chính mà”. Khi được hỏi làm công việc này khi gặp người quen, bạn bè có ngại không thì cả nhóm đều cười: “Quen rồi nên không ngại gì cả”.
Thành viên lớn tuổi nhất nhóm là Nguyễn Thị Thảo (SN 2000). Thảo là nhân viên của một tiệm spa. 2 năm nay, ban ngày làm ở tiệm, buổi tối Thảo tham gia với nhóm để kiếm thêm thu nhập. “Trước đây, em bán thuê cho người ta nhưng 1 cây kẹo chỉ được trả công 2.000 đồng. Vì vậy, em cùng nhóm bạn dành dụm tiền để mua một bộ đồ làm nghề độc lập, mỗi bộ có giá từ 800.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng, tùy kích cỡ. Mặc bộ đồ này vừa nặng vừa nóng, khó chịu lắm, đặc biệt là những ngày nắng nóng như thế này nhưng tụi em tự nhắc mình phải cố gắng. Thi thoảng, em lại tranh thủ bỏ cái đầu ra một xíu cho mát và đỡ mỏi”-Thảo nói. Công việc của nhóm kéo dài từ 18 giờ đến 21 giờ. Ngày nghỉ, ngày lễ, nhóm bán được nhiều hơn (khoảng 50 cây kẹo/người/buổi), nhưng đến mùa mưa thì... thất nghiệp. “Dịch Covid-19 vừa qua, tụi em nghỉ bán. Đang làm quen, nghỉ thấy nhớ nghề lắm, nhớ các bạn, nhớ tiếng cười đùa của bọn trẻ… Khi hết cách ly xã hội là nhóm em tập hợp đi làm lại ngay”-Thảo chia sẻ thêm.
Nhiều khách hàng vì thấy những chú gấu bông do cả nhóm đóng vai quá đáng yêu nên ủng hộ. Anh Hồ Nguyễn Tuấn Anh (tổ 1, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay: “2 nhóc nhà mình thích mấy chị gấu này lắm, đòi các chị bế luôn. Nhiều người mua mặc cả đắt rẻ nhưng mình vẫn mua cho con vì mến sự nhiệt tình, chịu khó của các em ấy”. 
NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm