Thời sự - Bình luận

Giảm thuế và quản giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quốc hội đã đồng ý kéo dài việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng tới giữa năm sau để hỗ trợ sức mua trên thị trường.

Đây là thông tin vui trong bối cảnh sức mua trong tháng cuối cùng của năm vẫn chưa thực sự khởi sắc. Thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Giảm thuế VAT thì người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi, kích thích sản xuất và tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Mặt khác, theo tính toán, ngân sách ước tính giảm thu khoảng 26.100 tỉ đồng khi thực hiện chính sách hỗ trợ tài khóa này. Đây là số tiền không hề nhỏ nhưng thực tế "cảm nhận" của người dân về mức hỗ trợ này lại không quá rõ ràng. Đầu tiên vẫn là mức 2% nếu tính trên mỗi mặt hàng cụ thể là rất ít trong khi giá hàng hóa, dịch vụ lại tăng nhanh, tăng nhiều. Tổng hòa 2 yếu tố đó đã pha loãng đi sự chia sẻ của nhà nước với người dân với chính sách thuế này.

Ở thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán; 1 tháng nữa là hết năm tài chính 2024 với mùa lễ hội lớn nhất của năm nên thị trường đang ở giai đoạn chuẩn bị hàng hóa. Sức mua dù ít hay nhiều, chắc chắn cũng tăng lên. Bởi với đa số người VN, dù khó khăn đến đâu cũng muốn có một cái tết đầy đủ. Nên đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm về giá cả. Không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chỉ chờ mùa cuối năm để bù lại cho những tháng ế ẩm trước đó. Cũng vì thế, hàng nhái, giả, lậu trà trộn; tình trạng "tát giá" theo lương, thưởng, theo mùa... đến hẹn lại lên. Mà khâu yếu nhất trên thị trường lâu nay chúng ta đều biết, chính là phân phối qua quá nhiều tầng nấc trung gian, khiến cho giá cả hàng hóa từ vườn tới chợ đội lên gấp nhiều lần. Dịch vụ hàng hóa nghe công bố thì rẻ, ế, thậm chí phải giải cứu nhưng người tiêu dùng ở các TP lớn vẫn phải mua với giá cao ngoài chợ.

Vì vậy, bên cạnh giảm thuế VAT, điều quan trọng không kém là quản lý giá cả, hàng hóa trên thị trường từ nay đến tết thật quyết liệt, đặc biệt là với hàng hóa thiết yếu để tránh tình trạng tăng theo mùa. Với những mặt hàng quản lý giá, cũng nên làm rõ xem việc tăng giá "tất yếu" có phù hợp hay không. Ví dụ như giá xăng dầu năm nay khá thấp so với mấy năm trước đó, vậy giá vận chuyển tăng hay giảm? Hợp lý hay chưa? Ngay cả việc giảm VAT, cũng cần giám sát xem các doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ, đến tay người tiêu dùng hay không.

Trong một diễn biến liên quan, bắt đầu từ hôm nay 2.12 cho đến hết ngày 31.12, Bộ Công thương phát động Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện khuyến mãi với hạn mức có thể lên đến 100%. Nghĩa là sẽ có một số mặt hàng được bán với giá bằng 0, một mức khuyến mãi rất lớn. Từ cuối tuần trước, nhiều tỉnh, thành cũng tổ chức siêu khuyến mãi nhân ngày Black Friday nhưng sức mua vẫn khá yếu. Ngoài kinh tế khó khăn, các chương trình khuyến mãi được thực hiện quanh năm "mất thiêng", giảm giá không thực chất thì cũng có thể người dân chưa sắm sửa sớm.

Thế nên, cùng với việc giảm thuế VAT, khuyến mãi mạnh, quản lý chặt không để tăng giá vô tội vạ, không để hàng nhái giả lộng hành, hy vọng tường thành sức mua sẽ được phá bỏ. Thị trường sôi động, hàng bán được thì sản xuất mới phục hồi, doanh nghiệp mới khỏe mạnh, mới đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế năm 2025, năm mà Chính phủ phấn đấu đạt GDP khoảng 8%, tạo đà phấn đấu mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030 như Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin tại Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành T.Ư khóa XII, tình hình kinh tế - xã hội 2024 và giải pháp năm 2025 diễn ra sáng qua.

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm