(GLO)- Không khó để bắt gặp trong các quán cà phê, quán ăn hình ảnh những đứa trẻ ngồi dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng. Cha mẹ ngồi bên cạnh cũng mải mê trò chuyện với bạn bè hoặc cũng có riêng một không gian khác trong màn hình điện thoại. Bữa ăn, cuộc cà phê của gia đình cứ thế bắt đầu và kết thúc trong im lặng, giao tiếp giữa các thành viên bị hạn chế đến mức tối đa. Từ lúc nào, sự ồn ào của con trẻ đã trở thành nỗi phiền phức với phụ huynh cũng như những người xung quanh...
Các khu vui chơi trẻ em mở ra ngày càng nhiều. Không chỉ các dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần mà ngay cả các ngày trong tuần, những nơi này vẫn có rất nhiều khách hàng “nhí” đến vui chơi. Trẻ dưới 5 tuổi khi vào đây phải có người thân đi kèm. Còn với trẻ lớn hơn và có khả năng tự chơi một mình, cha mẹ chỉ việc trả tiền vé, đưa con vào cổng, sau đó yên tâm tìm một vị trí ở quầy cà phê và thong thả ngồi đợi. Một số cha mẹ theo con vào bên trong, sau khi chúng chọn lựa trò chơi thì mình cũng tìm một nơi thuận lợi để có thể vừa trông chừng vừa thảnh thơi lướt web. Thỉnh thoảng, họ ngước lên rồi giật mình hớt hải đi tìm con bởi chúng đã chuyển sang trò chơi khác từ lúc nào. Tôi đã không ít lần thấy những đứa trẻ ngồi im lìm, tự chơi một mình giữa đống lego (xếp hình), cát hay đất sét với khuôn mặt không cảm xúc, cả buổi không nói một câu. Ngoài mục đích để con có không gian vui chơi, giải trí, không thể phủ nhận rằng nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ đưa cho chúng chiếc điện thoại hay đến các khu vui chơi để đỡ phiền hà, từ đó tạo nên bức màn vô hình ngăn cách khả năng giao tiếp, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái.
Môi trường là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc chơi cùng con cái sẽ giúp chúng giảm nguy cơ bị trầm cảm và lo âu, đồng thời khuyến khích sự đồng cảm và lòng vị tha với những người xung quanh. Có nhiều cách để chơi cùng con trẻ như cùng chạy bộ, đá bóng, trốn tìm, xếp hình, đọc sách, nấu ăn hay đi dạo công viên, tham quan bảo tàng… Hoạt động nào có mặt và tương tác của cha mẹ, người thân cũng sẽ giúp trẻ tiếp thu được nhiều điều mà chúng ta vẫn thường nghĩ là ngoài khả năng của chúng. Thường tranh thủ những ngày cuối tuần, dịp lễ đưa con gái đi tham quan, khám phá thiên nhiên, anh Lê Văn Tuấn (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Những địa điểm tưởng như đã chán ngấy với người lớn lại là “thiên đường” với trẻ, bởi chúng lúc nào cũng tò mò, hiếu kỳ về mọi thứ và học hỏi rất nhanh. Vì vậy, tôi thường đưa con đi chơi và tìm hiểu trước các điểm đến để có thể thuyết minh, giải thích cho con khi cần thiết. Trong lúc cùng đi chơi, chúng tôi có dịp trò chuyện nhiều hơn, từ đó tôi cũng hiểu được tâm lý, suy nghĩ của con mình và thấy con hoạt bát, lanh lợi hơn”.
Cùng chơi, cùng trò chuyện với con không chỉ giúp con hoàn thiện, phát triển về mặt ngôn ngữ, diễn đạt mà còn giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, tạo sự kết nối về mặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Những trải nghiệm tích cực thời thơ ấu cùng cha mẹ còn giúp trẻ hạnh phúc, lạc quan hơn trong cuộc sống sau này.
KHÔI NGUYÊN