(GLO)- Một lần, có cậu học trò lớp 6 mắc chứng chậm phát triển trí tuệ đến gặp tôi và đặt hàng loạt câu hỏi “tại sao” khiến tim tôi như thắt lại…
Tư duy tích cực dễ hạnh phúc và thành công. (ảnh minh họa) |
Tại sao mỗi lần đi làm về mẹ con lại hay la con? Con làm gì sai mà ba mẹ con lại đánh con? Tại sao cô giáo hay nổi giận và bắt phạt con?...
Hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt thiên thần, bé bỏng.
Tôi ôn tồn cùng cậu bé phân tích “Nếu ba mẹ không thương con, có phải họ đã bỏ rơi con, không cho con đến trường rồi phải không?”, “Nếu cô giáo không quan tâm con, thì cô đã chẳng thèm để ý đến con luôn rồi, đúng không con?”… Cậu bé gật đầu như hiểu ra rồi nói: Dạ đúng ạ!
Tôi lại hỏi: “Theo con, ba mẹ, cô giáo còn làm gì khiến con cảm thấy được thương yêu nữa?”… Những câu trả lời tích cực hơn được đưa ra, sau đó cậu bé rời khỏi phòng với gương mặt tươi tắn hơn. Tôi để ý, về sau cậu ít gặp vấn đề hơn và chưa từng quay lại phòng tư vấn tâm lý để hỏi những câu “tại sao” đầy bi thương nữa…
Tôi thương cậu bé, thương cả những người lớn chưa yêu thương người khác đúng cách, chưa biết đến ý nghĩa quan trọng của tư duy tích cực khi nhìn nhận về vấn đề nào đó.
Nhà tâm lý học Susan William trong một nghiên cứu thực hiện từ năm 1953-2002 khẳng định: Những người tư duy tích cực có cơ hội hạnh phúc cao hơn gấp 30 lần những người khác, tuổi thọ tăng từ 7,5 năm trở lên, khả năng bỏ việc chỉ bằng một nửa người suy nghĩ tiêu cực, duy trì được cuộc sống khỏe mạnh đến tuổi trung niên và thành công hơn người khác.
Một nghiên cứu khác từ Viện Sức khỏe Tâm thần Hà Lan cũng chỉ ra rằng, suy nghĩ tích cực làm giảm 75% chứng bệnh trầm cảm, giảm 55% nguy cơ bị đột quỵ vì bệnh tim, giúp chúng ta đẩy lùi bệnh tật và sống lâu hơn. Vậy, tại sao ta lại không sống khác đi, tích cực nhiều hơn để được hạnh phúc?
Dưới đây là vài bài tập khá đơn giản cần cho bất kỳ ai muốn tư duy tích cực hơn nữa:
Nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều: Trong tất cả những-điều-tồi-tệ xảy đến với mình, đâu đó sẽ có những lý do tốt đẹp. Nếu không thể thay đổi được hoàn cảnh, hãy thay đổi cách mình nghĩ về hoàn cảnh ấy và tự trấn an: Ít ra vẫn còn nhiều điều dễ thương!
Nói lời tích cực: Thay vì nói buồn hãy nói không vui, thay vì khó chịu hãy nói không dễ chịu/không thoải mái, thay vì mệt mỏi hãy nói không khỏe lắm, thay vì thất bại hãy nói chưa thành công hoặc tôi sẽ làm được một cách mạnh mẽ, đầy tính khẳng định… Cách nói này mang lại hiệu quả bất ngờ hơn chúng ta tưởng khi bạn lặp lại thường xuyên.
Tiến sĩ Tâm lý trị liệu Tina B. Tessina cho biết: “Não bộ có xu hướng lặp đi lặp lại những thứ quen thuộc theo những đường truyền dẫn tế bào thần kinh đã được xác lập. Việc lặp lại một câu chú, một lời xác nhận hay một lựa chọn nào đó sẽ tạo ra những đường dẫn truyền mới và cuối cùng chúng sẽ trở nên tự nhiên vô ý thức”. Điều này cũng đúng với cách chúng ta tư duy.
Trò chuyện với chính mình: 2 nhà tâm lý học Daniel Swigley và Gary Lupyan cho rằng trò chuyện với chính mình có thể sắp xếp lại vô số những suy nghĩ khác nhau trong đầu và điều này cũng giúp làm dịu hệ thần kinh, giúp bạn đưa ra quyết định hợp lý, tích cực hơn. Bạn có thể thì thầm với mình bằng suy nghĩ, bằng cách nói ra, bằng cách nhìn vào gương, tin tưởng bản thân sẽ tốt, sẽ ổn và bạn sẽ ổn hơn.
Bước ra thế giới: Cuộn tròn trong vỏ ốc của bạn càng khiến bản thân trở nên tù túng hơn… Hãy bước ra ngoài, đi thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, kết bạn, trò chuyện, chăm sóc thú cưng, cây cối… Tất cả những điều ấy tự nhiên mang đến cho bạn cảm nghiệm tốt đẹp về cuộc sống, rằng bạn thực sự có trong tay nhiều điều đáng để hạnh phúc.
Th.s tâm lý Lê Minh Huân
“Người hạnh phúc không phải là người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi mà là người có thái độ sống tích cực trước bất kỳ hoàn cảnh nào” (Mc Hugh Downs). Có hàng chục, thậm chí hàng trăm lý do để hạnh phúc hơn mỗi ngày, đừng tự kéo mình đến những điều tiêu cực và khiến mình bớt hạnh phúc đi. |