Học Bác để mỗi ngày hoàn thiện hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù ở tuổi 36 nhưng anh Xuin vẫn đang miệt mài đèn sách. Đáng khâm phục hơn, anh có thể sắp xếp thời gian vừa học chữ, vừa sản xuất cũng như đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kdang (huyện Đak Đoa, tỉnh Đak Đoa) kiêm Bí thư Chi bộ làng Ktăng. Anh cũng là nông dân duy nhất của xã đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020.

“Cha con cùng tiến”

17 năm trước, vì hoàn cảnh khó khăn nên anh Xuin đành gác chuyện học để ở nhà phụ giúp gia đình. Bao năm trôi qua, anh vẫn luôn ấp ủ khát khao được đến trường, hoàn thành những năm học cuối cấp còn dang dở. Khi kinh tế gia đình khấm khá, anh quyết định đi học trở lại. Anh trải lòng: “Lớn tuổi, lại nghỉ học lâu quá rồi nên mới đầu cũng gặp khó khăn. Được vợ ủng hộ rồi lãnh đạo xã cũng động viên, tạo điều kiện nên mình cố gắng. Hơn nữa, mình muốn làm gương cho con cháu sau này”.

Người dân trong làng thường thấy anh Xuin tranh thủ lên rẫy lúc sáng sớm, chiều muộn. Ảnh: Anh Huy


Điều ngạc nhiên hơn khi anh học lớp 11, cậu con trai lớn cũng lên lớp 10. Năm học này, anh học 12 còn con trai học lớp 11. Cả hai đã có 1 năm là “cha con cùng tiến” tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Mỗi sáng, họ cùng nhau đến trường. Chia sẻ về chuyện học cùng trường với bố, Xuưn cho biết: “Lúc đầu, em cũng mắc cỡ, sợ bạn bè chọc ghẹo”. Biết tâm lý của cậu con trai đang tuổi trưởng thành, anh Xuin nhẹ nhàng phân tích để con hiểu. “Đi học cùng, bố có thể chở con đi về rất thuận tiện. Hai bố con cũng có nhiều thời gian trò chuyện, hỗ trợ nhau tốt hơn”-anh nói.

Xây dựng kế hoạch mỗi ngày

Nói về anh Xuin, dân làng Ktăng đều dành những lời ngợi khen. Người thì bảo: “Nó được lắm, làng này không ai qua nó đâu”. Người khác lại nói: “Nó làm việc đâu vào đó, nói được, làm được, làm việc gì cũng giỏi”. Dẫn chứng điều này, ông Thung kể: “Rảnh rỗi là Xuin lại lên rẫy. Có khi 5 giờ chiều, thậm chí 4 giờ sáng rồi về đi học, đi làm ngoài xã. Vợ con nó cũng siêng nữa. Ít khi ở nhà lắm, đi làm rẫy miết miết thôi”.

Gia đình anh Xuin có 5 ha cà phê, 5 sào lúa nước và chăn nuôi thêm bò. Đây là gia sản có được sau nhiều năm cần cù lao động, dành dụm, tích góp. Anh Xuin quan niệm rằng, cây trồng muốn xanh tốt phải tưới đủ nước, bón đủ phân. Nhưng muốn cây cho năng suất, chất lượng thì cần phải bón phân, tưới nước đúng cách và đúng thời điểm. Do đó, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình hiệu quả để có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất. Năm vừa rồi, gia đình anh tích lũy hơn 300 triệu đồng từ 3,5 ha cà phê. Anh cũng là đại diện duy nhất của xã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Anh Xuin luôn xây dựng kế hoạch cụ thể để sắp xếp, cân đối giữa việc gia đình và việc xã hội. Ảnh: Anh Huy


Không chỉ đi đầu trong sản xuất kinh doanh, từ năm 2015 đến nay, anh còn giữ vai trò Bí thư Chi bộ làng Ktăng và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Trả lời câu hỏi “Nhiều việc vậy anh làm thế nào?”. Bí thư Chi bộ làng Ktăng cười nói: “Học theo Bác, mỗi ngày mình xây dựng kế hoạch chi tiết. Việc nào ưu tiên làm trước, việc nào làm sau. Học phải đi đôi với làm chứ lấy lý do đi học không làm thì vợ con không phục, người làng không nghe, cấp ủy, chính quyền địa phương không tin tưởng”. Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, anh dành nhiều thời gian để nắm bắt tình hình mọi mặt đời sống của người dân; hướng dẫn các thôn, làng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND xã Kdang Đinh Guin nhận xét: “Đồng chí Xuin xứng đáng là tấm gương để mọi người học tập. Đồng chí ấy biết cách sắp xếp, cân đối giữa việc gia đình, việc xã hội. Chính vì nói được, làm được nên người dân làng Ktăng rất tin tưởng, nghe theo. Người dân làng Ktăng không còn bán đất, cho thuê đất mà dành để sản xuất, số hộ nghèo cũng giảm”. Trao đổi thêm về điều này, anh Xuin thông tin: “Trước đây, người dân bán đất lấy tiền xây nhà, mua xe máy; có hộ cho thuê dài hạn lấy tiền 1 lần. Mình sợ khi tiêu hết tiền, người dân không còn đất đai sản xuất sẽ dẫn đến đói nghèo, rồi kéo theo nhiều tệ nạn khác. Vì vậy, mình luôn vận động bà con phải giữ đất. Có đất, có sức khỏe, siêng năng thì không lo sợ gì hết. Bà con hiểu ra nên hưởng ứng làm theo. Vì vậy mà làng chỉ còn 2 hộ nghèo”.

 

 ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm