Nhóm 4 nữ sinh lớp 12 đã đoạt giải nhất cuộc thi 'Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP.Cần Thơ lần thứ 10 năm 2021' từ việc dùng lá chùm ngây làm trà thảo dược và dùng hạt diệt khuẩn nước sông.
4 học sinh nữ sinh gồm: Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Nguyễn Trần Yến Vy, Quách Gia Kỳ, Nguyễn Huỳnh Phương Uyên cùng học lớp 12 Trường THPT Giai Xuân (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ).
Nhóm học sinh dùng lá chùm ngây làm trà thảo dược. Ảnh: Duy Tân |
Diễm cho biết thấy cây chùm ngây mọc dại rất nhiều trong vườn nên từ tháng 10.2021 cả nhóm quyết định nghiên cứu sử dụng lá làm trà thảo dược và dùng hạt để lọc nước sông phục vụ sinh hoạt. Mất 4 tháng thử nghiệm với nhiều lần thất bại, cuối cùng các em đã hoàn thiện công thức tối ưu.
Để làm trà, lá chùm ngây sau khi hái về, lặt bỏ lá hư, lá già, chỉ giữ lại lá non, rửa sạch, phơi khô, sấy cho ra trà thành phẩm. Trà được để trong túi lọc, chỉ cần đổ nước sôi vào, để từ 3 - 5 phút là sử dụng. Sản phẩm hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, phụ gia. Với sản phẩm trà chùm ngây, nước trà không đắng lại có vị thơm đặc trưng. Trà có công dụng bổ sung vitamin E, hỗ trợ trị cao huyết áp, tăng cường bảo vệ gan…
“Lúc đầu, để đa dạng hóa sản phẩm cho cây chùm ngây nên tụi em làm trà, rồi sau đó nghiên cứu thêm từng bộ phận của cây từ lá, thân, vỏ, hạt để có thể khai thác được. Nghiên cứu tính chất thì biết trong hạt có tính keo tụ nên sử dụng lọc nước rất tốt”, Uyên chia sẻ.
Về công dụng lọc nước sông, hạt chùm ngây phơi khô, tách lấy hạt, tách lấy nhân, giã nhuyễn làm thành bột cho vào túi lọc. “Để lọc nước sông, tụi em dùng hạt phơi khô. Với 50 gr hạt có thể lọc được 20 lít nước. Chỉ cần lọc từ 15 - 20 phút là chất bẩn, đục từ phù sa lắng đọng làm nước trong. Có thể thay thế phèn chua”, Uyên nói.
Thầy Nguyễn Văn Vũ, dạy môn hóa - sinh Trường THPT Giai Xuân, cũng là người hướng dẫn đề tài, cho biết trong những buổi trải nghiệm học thực hành xung quanh vườn trường các em mới phát hiện vấn đề và cần đa dạng hóa sản phẩm cho cây, trái. Từ đó, các em nảy ra ý tưởng nghiên cứu trên cây chùm ngây, loại cây mọc dại nhiều quanh vườn nhà. “Sản phẩm này vô cùng thân thiện, dễ làm. Người dân có thể tự thực hiện, nguồn nguyên liệu thì dễ tìm. Vừa dùng làm trà, vừa lọc nước để phục vụ cuộc sống hằng ngày”, thầy Vũ nói.
Chị Nguyễn Ngọc Tiên (30 tuổi, ngụ ấp Thới An, xã Giai Xuân) cho biết, nhà chị ở gần sông và hay sử dụng nước sông nên thường dùng phèn chua để làm trong nước, nhưng khi sử dụng hạt chùm ngây thì thuận tiện hơn, nước nhanh trong hơn.
Theo Duy Tân (TNO)