(GLO)- Nhằm giúp nông dân giảm thiểu sức lao động, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất, 2 em Trần Thị Ngọc Anh và Nguyễn Trần Hoàng (cựu học sinh lớp 12A7, Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa) đã chế tạo chiếc máy thu hoạch thuốc lá. Đề tài đã đạt giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VIII (năm học 2021-2022).
Trò chuyện với chúng tôi, em Nguyễn Trần Hoàng cho biết: Thuốc lá là một trong những cây trồng chủ lực ở vùng “đất khát” Krông Pa. Quá trình thu hoạch và vận chuyển thuốc lá thường được người dân địa phương thực hiện bằng phương thức thủ công nên tốn khá nhiều thời gian và nhân công lao động. Việc tiếp xúc với nhựa lá thuốc trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người thu hái. “Hiện nay, máy thu hoạch thuốc lá mới chỉ được chế tạo ở nước ngoài với khung thân máy khá lớn. Vì thế, việc nghiên cứu để sáng chế một chiếc máy thu hoạch thuốc lá là hết sức cần thiết”-Hoàng chia sẻ ý tưởng.
Dưới sự hỗ trợ của thầy Bùi Văn Hùng-giáo viên môn Công nghệ, tháng 7-2021, Hoàng và Anh đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu một cách chi tiết. “Đầu tiên, chúng em tiến hành khảo sát phương pháp thu hoạch thuốc lá và nhu cầu về phương tiện hỗ trợ của bà con nông dân. Trên cơ sở đó, chúng em phác thảo thiết kế chiếc máy thu hoạch thuốc lá với các bộ phận kèm theo như: khung xe, giàn cắt, hệ thống truyền động, hệ thống thủy lực, băng tải, thùng chứa… và lên danh sách các loại vật tư, thiết bị cần có. Trong quá trình lắp ráp, cả 2 vẫn tiếp tục điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Sau nhiều lần thất bại, chúng em mới có thể hoàn thành được sản phẩm”-Trần Thị Ngọc Anh cho hay.
Máy thu hoạch thuốc lá giúp nông dân giảm thiểu sức lao động, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Ảnh: Mộc Trà |
Máy thu hoạch thuốc lá do 2 em sáng chế được điều khiển bởi hệ thống thủy lực, khác với truyền động xích như máy thu hoạch của nước ngoài. Khi vận hành, máy sẽ tự động cắt 2-3 lá chân và đưa lá lên thùng chứa của xe rồi vận chuyển về nơi tập kết, giúp rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm thiểu sức lao động và tác hại của nhựa lá thuốc đến sức khỏe của người nông dân. Ngoài ra, máy còn có thể điều chỉnh linh hoạt theo vị trí mọc và chiều cao của cây thuốc lá theo từng giai đoạn phát triển, giúp việc thu hoạch được dễ dàng hơn.
Ông Hoàng Xuân Chinh (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) cho hay: “Qua một người bạn, tôi được biết đến chiếc máy thu hoạch thuốc lá do học sinh Trường THPT Chu Văn An chế tạo. Ý tưởng này rất hữu ích đối với những người trồng thuốc lá như tôi. Với 2,5 ha thuốc lá, mỗi đợt thu hoạch, tôi thuê khoảng 20 nhân công làm việc với chi phí khoảng 4 triệu đồng/ngày. Tùy vào chất lượng chăm sóc, cây thuốc có thể cho 7-9 lần bẻ lá/vụ, tương đương tổng chi phí thuê nhân công 28-36 triệu đồng. Hy vọng, chiếc máy sớm được đầu tư hoàn thiện và chuyển giao công nghệ để đưa vào sử dụng đại trà”.
Nói về đề tài nghiên cứu của học trò, thầy Bùi Văn Hùng cho biết: Mô hình máy thu hoạch thuốc lá của 2 em Nguyễn Trần Hoàng và Trần Thị Ngọc Anh khá thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở địa phương. Vì thế, tôi đã đồng hành và hỗ trợ các em thực hiện ý tưởng. Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VIII (năm học 2021-2022), đề tài của 2 em đạt giải ba và được Ban giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, mới mẻ cũng như khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí nên chiếc máy vẫn chưa được hoàn chỉnh một cách tối ưu để đưa ra thực nghiệm trên đồng ruộng.
Mô hình Máy thu hoạch thuốc lá của 2 em Nguyễn Trần Hoàng (bìa trái) và Trần Thị Ngọc Anh đã đạt giải ba tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2021-2022. Ảnh: Mộc Trà |
Hiện nay, Trần Thị Ngọc Anh là sinh viên năm thứ nhất ngành Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), còn Nguyễn Trần Hoàng đang theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Bước vào môi trường học tập mới với nhiều bận rộn, song cả 2 vẫn không thôi nghĩ về “đứa con tinh thần” của mình. “Mấy tháng qua, em đã kết nối với một số sinh viên Khoa Cơ khí động lực và nhờ các anh ấy hướng dẫn thêm về tối ưu hóa tính năng và cách lắp ráp hệ thống thủy lực; đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm chức năng phun thuốc trừ sâu nhằm nâng cao hiệu quả của máy. Em và bạn Ngọc Anh đã thống nhất với nhau, dịp hè tới sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để không phụ sự mong đợi của bà con nông dân ở quê nhà”-Hoàng vui vẻ thông tin.
Còn Trần Thị Ngọc Anh thì khẳng định, thông qua những mối quan hệ mới, em cũng sẽ giới thiệu, quảng bá ý tưởng với mong muốn kêu gọi sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh đối với chiếc máy thu hoạch thuốc lá, giúp hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
MỘC TRÀ