Đã có người trẻ mở kênh YouTube, lên kế hoạch cho những chuyến trải nghiệm, cùng nghệ nhân nghĩ cách đưa sản phẩm làng nghề lên mạng.
Anh Ngô Quý Đức bên sản phẩm làng nghề. ẢNH: NVCC |
Những nếp giấy xếp đều đặn, rồi được phất lên thành chiếc đèn nhiều phom dáng khác nhau. Trên đó có nhiều mô típ trang trí dân gian từ tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Đó là sản phẩm đèn xếp của anh Nguyễn Văn Đủ, giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nghệ thuật Huế. “Vừa phát huy cách gấp truyền thống, các sản phẩm này kế thừa tính năng gấp gọn, thu nhỏ khi vận chuyển. Điều này rất thuận lợi để du khách chọn làm quà tặng du lịch”, anh Ngô Quý Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - phát triển nông thôn, nói.
Những hình ảnh cụ thể về các sản phẩm làng nghề hiện được anh Đức đưa lên trang YouTube Về làng. Ở đó, người xem có thể ngắm những nét bút vẽ lên gốm Chu Đậu nổi tiếng, những nét đục chạm của làng nghề bạc, cách nặn ông phỗng đất rồi vẽ màu của làng Đông Hồ... Hiện tại, các clip này dài khoảng 2 - 4 phút. Tuy nhiên, thời gian tới, các clip dài hơn sẽ được đưa lên. “Dạng clip ngắn sẽ ít thông tin hơn. Bù lại, các nhân vật, các làng nghề có thể mang về trang của mình để quảng bá, giới thiệu trên kênh của họ như một video quảng cáo. Làng nghề đan tre, đậu bạc đều mang về giới thiệu”, anh Đức nói. Trước đó, anh cho biết nhiều làng nghề chỉ chú tâm sản xuất, chưa chú trọng việc xây dựng hình ảnh, quảng bá hình ảnh.
YouTube Về làng là một mảng của dự án Về làng mà anh Đức sáng lập và thực hiện. Dự án còn có những mảng hỗ trợ làng nghề khác, trong đó có du lịch trải nghiệm. Hiện tại, do dịch bệnh, tour đang tạm dừng nhưng trước đó, cứ mỗi tháng lại có 2 tour. “Về làng tổ chức du lịch trải nghiệm các làng nghề trong Hà Nội và địa phương lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hà Nam. Việc này kết hợp với cả các nghệ nhân. Họ có đơn hàng, bán được sản phẩm và chi phí cho việc trình diễn nghề”, anh Đức cho biết.
Chị Vũ Liên, một người từng đi tour Về làng, kể trước đây chị không sẵn lòng bỏ tiền mua những bức phỗng đất bé xíu làm đồ chơi. Nhưng cuộc trải nghiệm ở nhà nghệ nhân Phùng Đình Giáp với những câu chuyện văn hóa ẩn sâu trong bức tượng đất đã làm chị thay đổi. “Sự vui tươi lạc quan, kỳ công khéo léo trộn đất và giấy nhào nặn... đã giúp tôi cảm nhận được vẻ sống động hồn nhiên của mỗi nhân vật chú làm ra”, chị nói.
Hiện tại, Về làng cũng hỗ trợ nghệ nhân thiết kế mẫu sản phẩm, truyền thông. Một phần việc nữa dự kiến làm xong trong tháng 7 là ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường để quảng bá sản phẩm thủ công không chỉ trong nước mà cả ra thế giới.
Theo Trinh Nguyễn (TNO)