Khơi dậy đam mê sáng tạo trong học sinh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học lần thứ VI năm học 2019-2020 diễn ra tại Trường THPT chuyên Hùng Vương vừa khép lại, qua đó khơi dậy đam mê sáng tạo trong học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Cuộc thi thu hút đông đảo giáo viên và học sinh các trường trung học trên địa bàn tỉnh tham gia với 85 dự án thuộc 15 lĩnh vực ở 40 đơn vị. Trong đó, có 21 dự án cấp THCS với 40 học sinh tham gia và 21 giáo viên hướng dẫn; 64 dự án cấp THPT với 125 học sinh tham gia và 62 giáo viên hướng dẫn. Các dự án dự thi lần này đều thể hiện đam mê sáng tạo và có sự chuẩn bị kỹ càng, nghiên cứu sâu của giáo viên cũng như học sinh. Ban tổ chức đã chọn ra 44 dự án xuất sắc để trao thưởng, gồm: 4 giải nhất, 9 giải nhì, 13 giải ba và 18 giải tư. Đồng thời, chọn ra 2 giải xuất sắc nhất để tham dự cuộc thi cấp quốc gia.
Ban tổ chức trao giải nhất cho các dự án xuất sắc tại cuộc thi. Ảnh: N.H
Dự án “Robot hỗ trợ trẻ tự kỷ” của 2 em Đinh Ngọc Thạch và Lê Hà Thanh Nhiên (Trường THPT Pleiku) được Ban Giám khảo đánh giá cao và trao giải nhất nhờ có sự phối hợp các kiến thức liên môn như: Tin học, Toán học, Vật lý, Công nghệ... Nói về lý do chọn thực hiện dự án, Nhiên cho biết, gia đình em có người thân bị tự kỷ với nhiều khiếm khuyết về tương tác xã hội. Đặc biệt, trẻ tự kỷ không nghe lời người lớn; khi tham gia giao thông hay chạy nhảy vô định nên rất nguy hiểm. Vì vậy, Nhiên và Thạch đã nghiên cứu để chế tạo ra robot hỗ trợ trẻ tự kỷ với các chức năng: hướng dẫn trẻ đánh răng, tập thể dục, chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. “Trẻ tự kỷ rất thích chơi với robot. Từ đó, trẻ sẽ làm theo các động tác cơ bản cùng với âm nhạc trẻ yêu thích phát ra từ robot khi tập thể dục; đánh răng theo các bước đã được lập trình sẵn trên robot và chấp hành Luật Giao thông Đường bộ khi gặp đèn đỏ dưới sự hướng dẫn của robot trong vai Cảnh sát Giao thông. Đặc biệt, trên thân robot có camera ghi lại cảm xúc, biểu cảm trên khuôn mặt của trẻ khi vui chơi cùng robot. Đây là dữ liệu quan trọng để các bác sĩ tâm lý và giáo viên giảng dạy có thể theo dõi sự tiến triển về tâm lý của trẻ, từ đó có liệu pháp chữa trị phù hợp”-Nhiên cho hay.
Dự án “Cải tiến và chế tạo mô hình nhiệt phân phế thải nhựa thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải” của 2 em Hoàng Hưng Thịnh và Bùi Mai Hoàng Nguyên (Trường THPT chuyên Hùng Vương) cũng được trao giải nhất nhờ tính thời sự và khả năng ứng dụng thực tiễn. Nguyên cho rằng: Hiện nay, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức thiết của toàn thế giới mà nguyên nhân một phần do rác thải nhựa. Do đó, em và Thịnh quyết định nghiên cứu, chế tạo mô hình nhiệt phân phế thải nhựa thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Để thực hiện thành công dự án, 2 em cùng giáo viên hướng dẫn đã nghiên cứu 22 tài liệu về hệ thống nhiệt phân được công bố trên thế giới và trong nước, sau đó trực tiếp chế tạo sản phẩm tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam rồi mới tiến hành thực nghiệm tại phòng thí nghiệm của nhà trường. Trực tiếp hướng dẫn 2 em thực hiện dự án, thầy Mai Ngọc Linh chia sẻ: “Dự án có tính khả thi cao, áp dụng được vào thực tiễn mà quan trọng nhất là thu được năng lượng và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Bên cạnh đó, lượng dầu thu từ quá trình nhiệt phân được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận có nhiều chỉ số đạt tốt và có thể sử dụng làm nhiên liệu cho các động cơ đốt trong tại các lò nung, lò hơi”. 
Ngoài ra còn có 2 dự án đạt giải nhất gồm: “Học sinh Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang) với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển du lịch tại địa phương” của em Lê Thủy Nguyên và Hồ Thị Thanh Thảo; “Nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ hệ nano phát quang đất hiếm-kháng thể (TMC), định hướng điều trị đích căn bệnh ung thư” của em Lê Nhật Minh và Võ Trọng Minh (Trường THPT chuyên Hùng Vương). Một số dự án nổi bật đạt giải nhì gồm: “Nghiên cứu phản ứng stress hạn ở đậu tương Glycien Max, định hướng tạo giống mới thích nghi với biến đổi khí hậu” của 2 học sinh Phạm Hoàng Bảo Vy và Trịnh Thị Thanh Huyền (Trường THPT chuyên Hùng Vương);  “Hệ thống cảnh báo an toàn đập, hồ chứa từ xa” của em Nguyễn Văn Quốc Nhật và Nguyễn Đình Duy (Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku); “Thái độ của trẻ em trên địa bàn TP. Pleiku đối với dân ca Jrai-thực trạng và giải pháp” của em Nguyễn Thái Hà và Trương Nguyễn Thanh Trúc (Trường THPT Pleiku)…
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi-đánh giá: Năm nay có sự đồng đều hơn giữa các lĩnh vực, các tác giả cũng có sự đầu tư theo chiều sâu, nhiều dự án có hàm lượng khoa học cao, quan tâm đến các vấn đề thời sự của địa phương, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề môi trường. Đặc biệt, nhiều học sinh đã biết khai thác các thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, khai thác tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực du lịch của tỉnh trong tương lai. Đây là nền tảng để giới thiệu và quảng bá hình ảnh của địa phương với công chúng và các nhà khoa học.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm