Lặng thầm người lính kỹ thuật hình sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy không trực tiếp đối mặt với tội phạm nhưng những cán bộ, chiến sĩ lực lượng Kỹ thuật Hình sự (KTHS) Công an tỉnh Gia Lai luôn thầm lặng sát cánh, đồng hành cùng cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác với mục đích cuối cùng là chứng minh sự thật của mỗi vụ án.

 

Ngày 22-7-1981, Trưởng ty Công an tỉnh Gia Lai-Kon Tum ký Quyết định số 246/QĐ-TCCB thành lập Phòng Cảnh sát Khoa học hình sự Công an tỉnh Gia Lai-Kon Tum (nay là Phòng KTHS Công an tỉnh Gia Lai). Trải qua 38 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Phòng KTHS luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, thông qua việc ứng dụng các phương pháp khoa học và sự hỗ trợ của các thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công tác khám nghiệm hiện trường, giám định KTHS, pháp y Công an nhân dân, đơn vị đã góp phần quan trọng trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động... Qua đó, góp phần quan trọng vào thành tích chung của lực lượng Công an tỉnh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Giám định tài liệu tại Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh. Ảnh: H.V.H



Trải qua các giai đoạn lịch sử, với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tình hình tội phạm theo đó cũng có những diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, thủ đoạn. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã sử dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại để thực hiện, che giấu hành vi phạm tội nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra. Đây là những khó khăn, thách thức đối với lực lượng KTHS. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh, lực lượng KTHS đã không ngừng nỗ lực, cố gắng nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, cải tiến, nâng cao hiệu quả các mặt công tác chuyên môn nhằm đáp ứng hiệu quả các yêu cầu của hoạt động tố tụng, góp phần vào công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm tại địa phương.

Trong điều tra các vụ án, công tác KTHS có vai trò quan trọng, đặc biệt là việc xác định đối tượng gây án trong các vụ chưa rõ thủ phạm; phát hiện, thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu góp phần điều tra, chứng minh tội phạm, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, dù không phải đối mặt với tội phạm nhưng cán bộ, chiến sĩ lực lượng KTHS lại đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách khác trên mặt trận đấu tranh phòng-chống tội phạm. Nhưng bằng bản lĩnh và sự tận tụy trong công việc, những cán bộ, chiến sĩ Phòng KTHS Công an tỉnh vẫn ngày đêm lặng thầm, tỉ mỉ lần tìm dấu vết, thủ đoạn của tội phạm. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên tiếp xúc với hóa chất; có vụ khám nghiệm, giám định pháp y tử thi đang phân hủy hay đứng trước hiện trường những vụ cháy, nổ nguy hiểm để “bắt” dấu vết, tử thi phải “lên tiếng” chứng minh sự thật của vụ án, vụ việc một cách khoa học. Trung bình hàng năm, Phòng KTHS Công an tỉnh tham gia khám nghiệm hiện trường 75 vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng các loại; giám định KTHS, pháp y tử thi hơn 600 vụ việc; thực hiện biện pháp kỹ thuật phòng-chống tội phạm với trên 30 yêu cầu.

Có những vụ án tưởng chừng như rơi vào bế tắc, nhưng bằng sự tận tâm, tận lực, cẩn trọng, tỉ mỉ, các cán bộ KTHS vẫn giải mã được nút thắt, giúp cơ quan Điều tra xử lý tội phạm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đơn cử vụ gia đình ông Nguyễn Kính và ông Nguyễn Lách (trú tại thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) liên tiếp nhận được các lá thư nặc danh tống tiền và đe dọa hủy hoại tài sản (một số vườn cây cà phê và hồ tiêu của 2 gia đình bị chặt phá). Ngày 3-3-2000, Công an huyện Chư Sê gửi toàn bộ những lá thư nặc danh trên trưng cầu Phòng KTHS giám định. Với tinh thần quyết tâm đấu tranh với tội phạm, các giám định viên của đơn vị đã phối hợp Công an huyện Chư Sê trực tiếp xuống địa bàn để sàng lọc, thu mẫu chữ viết phục vụ giám định. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng KTHS đã phối hợp thu mẫu chữ viết của nhiều đối tượng đang cư trú trên địa bàn huyện Chư Sê có biểu hiện nghi vấn. Kết quả giám định đã khẳng định chính xác chữ viết trên các lá thư nặc danh tống tiền là của đối tượng La Minh (SN 1974). Thời điểm đó, đối tượng này vừa mãn hạn tù về tội “Giết người”. Kết luận giám định của Phòng KTHS là chứng cứ duy nhất giúp Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Chư Sê bắt giữ đối tượng La Minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nhìn lại chặng đường 38 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Phòng KTHS Công an tỉnh vô cùng tự hào vì đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào công tác đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Với những thành tích đó, đơn vị đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì; được Bộ Công an nhiều lần tặng cờ thi đua xuất sắc. Nhiều lượt tập thể, cá nhân của đơn vị cũng được Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng.

 HOÀNG VĂN HOÀNH

Có thể bạn quan tâm