Làng thanh niên "2 không, 2 có": Cần thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai triển khai đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần cùng các địa phương xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả thì các cấp Hội cần có những giải pháp thiết thực để hoàn thành mục tiêu đề ra trong những năm tiếp theo.
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động 
Mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” được Hội LHTN Việt Nam tỉnh triển khai từ tháng 1-2019, từ việc cụ thể hóa Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Mô hình hướng đến các mục tiêu: có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có mô hình thanh niên phát triển kinh tế; không có thanh niên thất nghiệp, không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước.
Theo đó, Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) và làng Trớ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) để xây dựng mô hình cấp tỉnh. Để hỗ trợ 2 làng này, Hội đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên và nhân dân về cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ trồng cây ăn quả; tặng quà cho người dân, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động này đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp thanh niên phát triển kinh tế.
Khi chọn làng Trớ để xây dựng mô hình, Hội LHTN Việt Nam tỉnh xác định sẽ rất gian khó vì đây là làng đặc biệt khó khăn. Lúc đầu, làng mới chỉ đạt tiêu chí có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự vào cuộc của Ủy ban Hội các cấp trong việc tăng cường phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật, quốc phòng-an ninh cho thanh niên, làng đã đạt thêm tiêu chí không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên. Bên cạnh đó, với các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, thanh niên trong làng đã chịu khó làm ăn để phát triển kinh tế, mặc dù thu nhập chưa cao nhưng không còn tình trạng thất nghiệp.
Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ cây trồng cho anh H'Mân (bìa phải, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh : Phan Lài

Để giúp làng Trớ hoàn thành tiêu chí có mô hình thanh niên phát triển kinh tế, ngày 27-8, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp Hợp tác xã Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai-GAUC tặng 100 cây mít Thái cho anh Kpă Tô Nit và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng; đồng thời kiểm tra nhu cầu vay vốn của thanh niên trong làng. Chị Bùi Thị Lý-Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Chư A Thai-cho biết: “Được sự hỗ trợ của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, thanh niên làng Trớ đã có sự chuyển biến trong nhận thức, chịu khó làm ăn. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì, giữ vững các tiêu chí trong thời gian tới”.  

Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh: “Mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng làng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, trước những khó khăn, hạn chế đang gặp phải, cần xác định đây là một quá trình cần nhiều thời gian, công sức phấn đấu. Đồng thời cần xem đây là việc làm thực chất chứ không phải để đối phó hay chạy theo phong trào thì mô hình mới đạt hiệu quả cao”.

Chọn làng Pnuk (xã Ia Kriêng) để triển khai mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”, Hội LHTN Việt Nam huyện Đức Cơ đã tổ chức hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”, chiến dịch “Hoa phượng đỏ”, qua đó hỗ trợ làng trồng 80 cây xanh trên các tuyến đường, giúp người dân đào 12 hố rác, tặng 3 thanh niên trong làng 50 cây giống ăn quả để phát triển kinh tế. Đặc biệt, Hội LHTN Việt Nam huyện phối hợp xây dựng 1 công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” trị giá 60 triệu đồng; phối hợp với Công an huyện tuyên truyền an toàn giao thông và phòng-chống ma túy cho đoàn viên, thanh niên... 

Là làng dân tộc thiểu số nhưng vẫn chưa hoàn thành tiêu chí có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thanh niên làng Pnuk đã đổi công thu hoạch cà phê để gây quỹ Đoàn, mua đàn t’rưng và thành lập đội để cùng luyện tập. Anh Kpui Chung-Bí thư Chi Đoàn làng Pnuk-chia sẻ: Từ khi mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” được triển khai, thanh niên trong làng đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn.
Nhận diện khó khăn để tháo gỡ
Việc xây dựng mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” triển khai tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số được chọn xây dựng làng nông thôn mới ở các xã trong giai đoạn 2019-2022. Theo đó, mục tiêu của mô hình là xây dựng 2 làng “2 không, 2 có” cấp tỉnh; 18 làng cấp huyện, thị xã, thành phố (riêng Hội LHTN Việt Nam huyện Mang Yang chọn xây dựng 2 làng).
Sau hơn 1 năm triển khai, 20/20 làng đều đảm bảo tiêu chí “không có thanh niên thất nghiệp” và “không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước”. Về tiêu chí “2 có”, có 2 làng chưa có đội, nhóm thanh niên gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; 5 làng chưa có mô hình phát triển kinh tế.
Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ giống cây trồng cho thanh niên làng Trớ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Ảnh: Phan Lài
Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai xây dựng mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” được Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức gần đây, các đại biểu đã tập trung đánh giá và chỉ ra những hạn chế như: một số đơn vị còn lúng túng trong việc tổ chức các hoạt động, chưa gắn với việc thực hiện các tiêu chí của làng thanh niên “2 không, 2 có”; việc vận động nguồn lực triển khai các hoạt động và hỗ trợ cho làng còn gặp khó. Bên cạnh đó, thanh niên chủ yếu làm việc theo thời vụ, chưa có việc làm ổn định; việc tham gia các đội cồng chiêng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn hạn chế; ý thức của đoàn viên, thanh niên một số nơi chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Ủy ban Hội các cấp xác định cần tập huấn kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ tập hợp đoàn kết thanh niên dân tộc thiểu số cho cán bộ Hội. Tăng cường gặp gỡ, động viên, vận động các già làng, người có uy tín ở địa phương tham gia tuyên truyền để tập hợp, phát huy tinh thần trách nhiệm của thanh niên trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh việc định hướng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế bền vững ngay tại địa phương.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm