Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Làng tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyến về quê lần này, tôi theo vợ chồng chú em Huỳnh Văn Hòa ra ruộng mướp vào một sáng mùa hè để tận hưởng không gian thoáng đãng cùng người làng tôi, đất làng tôi.

Sáng sớm, quê tôi thật yên bình, không khí vô cùng mát mẻ sau cơn mưa nhẹ vào chiều hôm trước. Những ruộng lúa vụ Xuân Hè đã thu hoạch xong, mùi rơm rạ như còn phảng phất đâu đây.

Vẻ đẹp yên bình của làng Tú Dương, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: Đ.M.P

Đang là mùa thu hoạch mướp chính vụ. Nói là vụ, nhưng thực ra, ngày nay khi mà “nước phân cần giống” đủ đầy thì trồng mướp vào lúc nào cũng cho năng suất cao, chất lượng cũng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Rất tình cờ, ruộng mướp nhà chú Hòa lại nằm gần khoảnh ruộng ngày xưa của gia đình tôi. Khoảnh ruộng ấy gần con suối nhỏ phía dưới bàu Tre và bàu Đá. Nước nôi thuận lợi nên mẹ tôi gieo trồng quanh năm.

Hết vụ lúa, mẹ lại trồng đậu phộng, dưa hấu, dưa gang. Những tháng giáp Tết thì mẹ trồng đậu và gieo xen cải cay. Loại cải này được người dân quê tôi để cây lên ngồng rồi mới thu hoạch, phơi vừa heo héo làm dưa muối kho với ít thịt heo sau Tết còn dành lại, rất tốn cơm dù là cơm độn mì, khoai lang.

Những khoảnh ruộng mùa này cạn nước, bà con đã biết trồng những loại hoa màu có giá trị cao như: bắp lai, mướp cao sản, khổ qua và đậu đỗ các loại. Những ruộng mướp cho quả dài đến cả mét, giá hiện thời thương lái mua sỉ là 6 ngàn đồng/kg. Hai ngày thu hoạch 1 lần, ruộng mướp của chú em tôi được chăm bón kỹ lưỡng nên năng suất rất khá.

Có lẽ duy nhất làng Tú Dương (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) của tôi còn giữ được con đập bổi trên dòng suối Tre để giữ nước cho vụ Đông Xuân của 2 cánh đồng được coi là “bờ xôi ruộng mật” nhất trong vùng. Đến cuối mùa mưa, bà con trong làng tùy vào diện tích canh tác mà đóng góp công sức, vật liệu để cùng nhau đắp đập, vật liệu chủ yếu là tre, cây, bổi lá... Vậy nên dân gian gọi là đập bổi.

Ngày nay, công việc cũng đã được máy ủi, máy xúc làm thay cho sức người nên phần nào đỡ vất vả. Con đập hoàn thành, tạo nên bàu Tre sâu và rộng mênh mông giữa những cánh đồng tít tắp. Ngày xưa, bàu Tre chưa bị ô nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật, nước trong xanh, cá tôm sinh sôi nảy nở nhiều vô cùng. Tháng Chạp, bọn nhỏ chúng tôi lại rủ nhau giăng câu, thả lưới quanh bờ.

Những ruộng mướp cho quả dài đến cả mét, giá hiện thời thương lái mua sỉ là 6 ngàn đồng/kg. Ảnh: Đ.M.P

Những chú cá tràu, cá trắng... háu ăn mắc câu, dính lưới, chúng tôi vui lắm với “thành tựu” nhỏ bé của mình trước sự khen ngợi của người lớn. Và cũng chính từ bàu Tre này, tất cả người làng tôi lớn nhỏ, nữ nam đều biết bơi lội. Sau mỗi ngày làm lụng dưới trời nắng nóng của mùa hè, trẻ già, nam nữ ùa xuống bàu tha hồ bơi lội, tắm gội trước khi về nhà.

Cảnh xưa giờ đã không còn nữa, mặc dù bàu Tre vẫn còn là nguồn nước cung cấp cho những cánh đồng lúa, hoa màu, cây trái tươi tốt, nuôi sống người làng tôi vẫn như bao đời nay.

Mỗi khi có dịp về làng, theo bà con ra đồng, thăm ruộng, nhìn những ruộng lúa, nương ngô xa xanh tít tắp, ký ức ùa về trong tôi bao kỷ niệm vui buồn thuở nhỏ. Làng tôi ngày nay là một trong những làng nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm giờ đã bê tông hóa thay cho những con đường quanh co ngoằn ngoèo mưa lầy, nắng bụi.

Điện lưới quốc gia về tận từng nhà thay cho những ngọn đèn dầu leo lét thuở nào; ti vi, máy giặt, những vật dụng gia đình cũng nhiều hơn. Lũ nhỏ được học hành, vui chơi trong thanh bình, no ấm.

Có được thành tựu như ngày nay, công sức của người làng tôi đóng góp không nhỏ, cùng với sự quan tâm chăm lo đầu tư xây dựng của chính quyền địa phương. Dâu rể, cháu con của người làng đi xa trở về tự hào lắm, khi mình được là con cháu của làng, nơi mà đã từ lâu được mệnh danh “đất lành chim đậu”, hơn thế còn là nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Lại nhớ về một thuở xa xưa, người làng tôi lưu lạc tứ phương, làng tôi tan tác, tiêu điều vì chiến tranh tàn khốc, những rặng dừa, lũy tre bom đạn Mỹ san phẳng, ruộng đồng hoang hóa.

Rồi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, bà con người làng lần lượt quay về cùng nhau chăm chỉ, cần cù lao động sản xuất, cuộc sống dần ổn định, để có một ngôi làng trù phú đông vui đầy ắp nghĩa tình hàng xóm láng giềng thủy chung như hôm nay.

Có thể bạn quan tâm