Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên của Đoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của tổ chức Đoàn, nắm bắt kịp thời nguyện vọng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) để có hướng giải quyết phù hợp...; đội ngũ báo cáo viên toàn tỉnh Gia Lai luôn đứng trước yêu cầu ngày càng được kiện toàn, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nhiều đề tài được đánh giá cao
Hội thi báo cáo viên giỏi cấp tỉnh được Tỉnh Đoàn tổ chức thành công vào cuối tháng 8 vừa qua. Tham gia hội thi, các báo cáo viên là Bí thư, Phó Bí thư tổ chức Đoàn các cấp đã chuẩn bị đề cương tự chọn theo các nhóm nội dung: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến, giáo dục pháp luật, các vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên; cách thức tiếp cận, công tác tuyên truyền về tà đạo “Hà Mòn”, “Tin lành Đê-ga”, thuốc thư, vấn đề tự tử, nạn tảo hôn trong thanh thiếu nhi hiện nay...
Anh Lê Xuân Tám (ngoài cùng bên trái) là thí sinh có đề tài được Ban giám khảo đánh giá cao tại hội thi báo cáo viên của Đoàn. Ảnh: T.B
Từ 26 đề tài ở vòng sơ khảo, ban tổ chức đã chọn 12 đề tài phù hợp với nội dung hội thi đề ra, có tính thuyết phục nhất để vào vòng chung khảo như: giải pháp để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn; tiêu chuẩn phấn đấu vào Đảng Cộng sản Việt Nam của ĐVTN theo tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng phong cách cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Nhiều đề tài có nội dung sát với tình hình thực tế ở địa phương, nhận được nhiều sự quan tâm như: thực trạng và giải pháp đối với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn xã Ia Ake (huyện Phú Thiện); thực trạng tự tử trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục ma lai, thuốc thư tại địa bàn huyện Kông Chro…
Đề tài “Thực trạng và giải pháp tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn xã Ia Ake” của anh Lê Xuân Tám-Bí thư Đoàn xã Ia Ake được đánh giá cao vì cách lựa chọn đề tài thuyết phục, thuyết trình tự tin, nắm chắc vấn đề và trả lời đúng các câu hỏi mà Ban giám khảo nêu. Đề tài đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở xã Ia Ake như: tập quán lạc hậu; trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao. Đề tài đã nêu lên các giải pháp như: có hình thức xử phạt theo các quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân tuân theo các quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình trong trường học; triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố văn hóa, giới tính, lứa tuổi... “Để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt để lồng ghép các nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho ĐVTN. Đồng thời, những báo cáo viên ở xã cũng tích cực đi từng nhà, vận động, tuyên truyền từng người dân về những hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết”-anh Lê Xuân Tám chia sẻ.
Nâng cao kiến thức, bản lĩnh để tuyên truyền
Các báo cáo viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ. Ảnh: Thủy Bình
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 báo cáo viên của Đoàn, trong đó có 87 báo cáo viên cấp tỉnh. Đội ngũ báo cáo viên các cấp bộ Đoàn được lựa chọn ngày càng chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tự tin, nhiệt huyết với nhiệm vụ, có uy tín với nhân dân, có khả năng thuyết trình trước đám đông… Để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, hàng năm, bên cạnh các hội thi, Tỉnh Đoàn đều quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để phổ biến các văn bản pháp luật mới; nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chỉ tiêu, nghị quyết đại hội Đoàn để kịp thời chuyển tải, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong ĐVTN.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn không ít báo cáo viên lúng túng trong phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động. Nguyên nhân là do không nắm bắt được nội dung, chủ đề tuyên truyền. Một số báo cáo viên còn rập khuôn, cách tuyên truyền không hấp dẫn, lôi cuốn ĐVTN. Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh-Bí thư Đoàn phường Tây Sơn (TP. Pleiku) chia sẻ: Đội ngũ báo cáo viên phải thường xuyên bám sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, kịp thời tham mưu với các cấp bộ Đoàn và chính quyền địa phương. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến hành vi của giới trẻ thì đội ngũ báo cáo viên phải nâng cao kiến thức, bản lĩnh để tuyên truyền, vận động. Để làm được điều này, bản thân mỗi báo cáo viên phải luôn trau dồi trình độ, chuyên môn, kỹ năng thuyết trình.
Theo chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, Tỉnh Đoàn thường xuyên tổ chức các hội thi, lớp tập huấn nhằm tạo điều kiện để đội ngũ báo cáo viên các cấp chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, sáng tạo trong việc truyền đạt những nội dung cơ bản đã được tiếp thu; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho ĐVTN và nhân dân. Các tổ chức Đoàn ở cơ sở cũng lựa chọn những báo cáo viên có đủ phẩm chất, có kỹ năng tuyên truyền tốt, tự tin và có uy tín với nhân dân để thực hiện nhiệm vụ. Phải đổi mới, sáng tạo trong cách tuyên truyền, lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng thì công tác tuyên truyền mới hiệu quả.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm