Ngày càng nhiều tấm gương thanh thiếu nhi sống đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Bộ GD-ĐT và T.Ư Đoàn, 5 năm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống đẹp cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng còn nhiều thách thức.

Phong trào tình nguyện giáo dục thanh thiếu nhi ý thức vì cộng đồng. Ảnh: V.T
Hôm nay (11.5), Bộ GD-ĐT và T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”.
Hội nghị nhằm đánh giá những thành công, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị giải pháp triển khai công tác này trong thời gian tới.
Nhiều tấm gương thanh thiếu nhi sống đẹp
Theo báo cáo tổng kết, sau 5 năm triển khai quyết định, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống (sau đây viết tắt là giáo dục) cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên (HS-SV) đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội.
Báo cáo cũng cho thấy các hoạt động tuyên truyền về giáo dục được đẩy mạnh; hình thức triển khai phong phú, sinh động. Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục cho thanh thiếu nhi, HS-SV được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo trong ngành giáo dục và trong các hoạt động của tổ chức Đoàn, tạo hiệu quả rõ rệt. Nhận thức của thanh thiếu nhi, HS-SV về các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập, rèn luyện có nhiều chuyển biến; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động do ngành giáo dục, các bộ, ngành, T.Ư Đoàn phát động.
Theo các báo cáo của Bộ GD-ĐT và T.Ư Đoàn, trong thời gian qua, đại đa số các HS-SV đã đạt tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, hạnh kiểm, rèn luyện theo quy định của ngành giáo dục.
Các phong trào thi đua và hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi, HS-SV tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để HS rèn luyện đạo đức, hình thành lối sống lành mạnh. Thông qua các phong trào thi đua, hoạt động của Đoàn, Đội đã có rất nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, HS-SV nghèo vượt khó, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng; nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, HS-SV sống đẹp… qua đó phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng hàng trăm nghìn đoàn viên ưu tú.
Chuyên đề giáo dục vẫn còn khô khan
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác này như: một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức; một số nội dung chuyên đề giáo dục vẫn còn khô khan, chưa gắn với đời sống của thế hệ trẻ; hoạt động giáo dục toàn diện ở một số địa phương còn dàn trải, phương thức tổ chức một số hoạt động ngoài giờ lên lớp chưa phong phú, còn mang tính áp đặt…
Đặc biệt, báo cáo cho thấy ở một số nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Việc bố trí cán bộ làm nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống ở một số trường chưa bảo đảm, còn phân tán, nhiều đầu mối.
Bên cạnh đó, việc tổ chức giáo dục cho thanh thiếu nhi, HS-SV trên môi trường mạng chưa được triển khai mạnh mẽ; việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, HS-SV qua môi trường mạng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính.
Đáng lưu ý, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa được cụ thể hóa về nội dung và cơ chế thực hiện.
Giáo dục phải đi vào lòng người
Theo T.Ư Đoàn và Bộ GD-ĐT, việc giáo dục cho thanh, thiếu niên, nhi đồng còn gặp nhiều thách thức. Trong đó một thách thức lớn là nhận thức của một bộ phận thanh thiếu nhi, HS-SV về học tập, rèn luyện lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn hạn chế. Trong khi, những xu hướng, trào lưu mới trong giới trẻ hiện nay khá đa dạng, ngoài những xu hướng tích cực còn tiềm ẩn nhiều xu hướng tiêu cực làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Để khắc phục những khó khăn này, Bộ GD-ĐT và T.Ư Đoàn cho biết công tác tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến cần được coi là nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, chính quyền, đoàn thể các cấp, tổ chức, cá nhân mỗi thanh thiếu niên về tầm quan trọng của công tác giáo dục trong bối cảnh mới. Trong đó, cần giáo dục bằng phương pháp nêu gương của người lớn, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng bằng những việc làm cụ thể, bằng những câu chuyện đi vào lòng người; tạo môi trường để thanh thiếu niên và nhi đồng được học tập, rèn luyện.
Theo Vũ Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm