Ngày quốc tế thiếu nhi 1.6: Mẹ ơi, xin nghe con nói…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc sống hối hả và áp lực choàng lên vai những người làm cha mẹ các trọng trách khác nhau, buộc họ phải thường xuyên đưa ra mệnh lệnh và quyết định, nhưng đôi lúc lại quên mất việc lắng nghe con nói.
Chị Trần Thu Hà và hai con gái như bạn thân
Nhật ký của học sinh lớp 5
"Không thể cấm đoán trẻ, không thể đè nén, áp đặt chúng về mọi thứ, chỉ có một cách, mình là đồng minh của con. Muốn là đồng minh, phải lắng nghe, lắng nghe như đồng minh, như là bạn của con".
Chị Trần Thu Hà, tác giả nhiều đầu sách về nuôi dạy con

Chị N.H, phụ huynh một học sinh lớp 5, trú Q.Tân Bình, TP.HCM, lặng người, nước mắt lặng lẽ rơi khi một ngày tình cờ thấy những dòng chữ con viết trong cuốn nhật ký. Con viết: “Cha mẹ không hiểu con, không cho con được nói suy nghĩ của mình, áp đặt mong muốn của người lớn vào việc học của con khiến con quá mệt mỏi và áp lực, tại sao không đặt mình vào vị trí của con để hiểu con đã cô độc và khổ sở như thế nào?…”. Chị N.H giật mình, hóa ra bên cạnh con hơn 20 tiếng mỗi ngày, chưa chắc đã phải là làm bạn và hiểu hết con đang nghĩ gì. “Tôi nhớ lại, đã rất lâu rồi, tôi không ôm con và cùng con nói các chuyện rất giản dị ngày ngày, tôi chỉ hỏi con điểm, và kỳ thi vào lớp 6 trường chuyên sắp tới”, người mẹ buồn bã.
Chị Trần Thu Hà, tác giả nhiều đầu sách về nuôi dạy con, cho hay: “Trẻ con, cần được tôn trọng như một con người độc lập, có suy nghĩ, tư duy, có cái tôi của mình. Không thể cấm đoán trẻ, không thể đè nén, áp đặt chúng về mọi thứ, chỉ có một cách, mình là đồng minh của con. Muốn là đồng minh, phải lắng nghe, lắng nghe như đồng minh, như là bạn của con”.
Theo chị Hà, khi trò chuyện, cha mẹ nên ngồi ngang tầm mắt với con, hạ thấp tông giọng hơn, để con thấy mình được tôn trọng. “Không chỉ lắng nghe con nói, cha mẹ có thể kể cho con nghe, cả những vụng dại, thất bại hay cách mình đứng dậy. Tất cả đều cần chân thành, đừng “diễn” hay quá chú trọng vào kỹ thuật nói với con, bởi tất cả các đứa trẻ đều nhạy cảm, tinh tường, chúng biết cha mẹ đang nói thật hay dối trá. Đôi khi chỉ cần im lặng, thấu hiểu còn hơn nhiều lời nói”, chị Hà chia sẻ.
Bà nội là bạn của cháu
 
Ở bên con, nhưng con vẫn thấy cô đơn !
Chị Trần Thu Hà kể nhiều phụ huynh hỏi chị: “Tại sao tôi bên con gần như 24 giờ mỗi ngày, con vẫn thấy cô đơn?”. Chị trả lời các phụ huynh quan tâm số lượng, nhưng chưa thật sự để ý tới chất lượng của thời gian bên con. “Dù chỉ 15 phút bên con mỗi ngày, nhưng giờ phút đó thật sự là dành cho con, nghe con nói, ôm con, còn hơn rất nhiều chỉ ở cạnh, nhưng mẹ làm việc của mẹ, con có việc của con”.

Tiến sĩ, nhà quản lý giáo dục Bùi Trân Phượng còn nhớ mãi một kỷ niệm, người cháu nội 4 tuổi của bà bảo mẹ “bà nội không phải là bà nội, bà nội là bạn con”. Bà nói: “Tôi vô cùng xúc động, được làm bạn của các con đã là hạnh phúc, bây giờ tôi có thêm bạn là cháu nội của mình”.
Bà Phượng cho hay sở dĩ có nhiều bậc cha mẹ ở VN chưa lắng nghe con nói, bởi cha mẹ là người lớn còn không lắng nghe nhau, đồng thời thật sai lầm khi các cha mẹ luôn có câu cửa miệng “con nít biết cái gì”.
Bà Phượng cho rằng để lắng nghe con, cha mẹ hãy tập kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe không phải năng lực tự nhiên mà có của con người. Cũng giống như học bơi, học ngoại ngữ và tất cả mọi thứ khác, lắng nghe cần học và thực hành thường xuyên, làm càng sớm thì lại càng thấy dễ dàng. Bên cạnh đó, coi con là con người khác và độc lập với bản thân mình. Con không phải là “vật sở hữu” của cha mẹ. Tùy theo lứa tuổi, con biết cảm xúc, biết suy nghĩ, biết lập luận, nêu chính kiến, cần được tôn trọng. Ngoài ra, muốn nghe được con, cha mẹ cần tạo điều kiện để con nói, để con tự do, không e dè, sợ hãi.
Thúy Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm