Nghĩa cử mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở thành tâm dịch khi có nhiều bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Để động viên, cổ vũ các y-bác sĩ, sẻ chia khó khăn với cộng đồng, người dân Gia Lai đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp như: làm tấm chắn giọt bắn, “tai giả” đeo khẩu trang, ủng hộ lương thực, thực phẩm…
GOM GÓP YÊU THƯƠNG
Sau bữa cơm trưa, thay vì nghỉ ngơi, cán bộ, nhân viên, người già và các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh lại tập trung về một căn phòng nhỏ để làm “tai giả” đeo khẩu trang tặng các y-bác sĩ tại TP. Đà Nẵng. Người khởi xướng hoạt động này là bà Tạ Thị Anh Đào-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh.
“Biết các y-bác sĩ đeo khẩu trang trong khoảng thời gian dài thì sẽ rất đau ở vành tai nên tôi triển khai hoạt động này, mong muốn được góp phần chia sẻ khó khăn đối với tuyến đầu chống dịch. Đó cũng là cách để chúng tôi truyền đi thông điệp “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”-bà Đào chia sẻ.
Việc góp công, góp tiền để làm “tai giả” đều hoàn toàn tự nguyện. Những chiếc “tai giả” đeo khẩu trang được làm bằng len hoặc dây thun, dài khoảng 18 cm, có kết các nút để điều chỉnh phù hợp với từng người đeo. Bắt đầu thực hiện từ ngày 11-8 đến nay, Trung tâm đã làm được khoảng 250 chiếc “tai giả” bằng len và 300 “tai giả” bằng dây thun. Thấy được việc làm ý nghĩa này, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền mua len, kim chỉ…
Các em học sinh ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh làm “tai giả” đeo khẩu trang tặng các y-bác sĩ tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Thủy Bình
Các em học sinh ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh làm “tai giả” đeo khẩu trang tặng các y-bác sĩ tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Thủy Bình

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tiếp nhận số tiền 10 triệu đồng do bà Mai Thị Nữu (12/197 đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) ủng hộ và 30 lít mật ong của một Mạnh Thường Quân ở xã Ia Hrung (huyện Ia Grai). Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chuyển sự ủng hộ này đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng để trao cho các bệnh viện.

Hơn 2.000 “tai giả” đeo khẩu trang tặng các y-bác sĩ, hơn 6.000 khẩu trang vải để tặng cho người dân đã được gửi đến Đà Nẵng. Hoạt động này do chị Trương Cẩm Thạch (346 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) khởi xướng từ ngày 11-8 và nhận được sự tham gia của nhiều người dân; trong đó có những cán bộ hưu trí thuộc nhóm Sống Xanh ở TP. Pleiku.

Tùy theo điều kiện, người làm “tai giả” bằng cách móc len, người làm bằng dây thun; người có máy may thì cắt may khẩu trang; sau khi làm xong thì gửi về địa chỉ của chị Thạch. Tất cả các sản phẩm đều được chị Thạch hấp, sấy khô rồi đóng gói cẩn thận, gửi bằng đường bưu điện về Câu lạc bộ Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam (TP. Đà Nẵng) để trao tặng những người cần hỗ trợ.

“Hiện tại, các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục làm khẩu trang và “tai giả”, khi nào ở Đà Nẵng không còn cần hỗ trợ nữa thì mới dừng. Tôi kêu gọi trên mạng xã hội, có nhiều người chưa từng gặp mặt nhưng tất cả đều đồng lòng để sẻ chia khó khăn với người dân ở vùng dịch”-chị Thạch chia sẻ.

Tranh thủ những ngày cuối tuần, đoàn viên, thanh niên phường Tây Sơn (TP. Pleiku) tập trung lại để làm mặt nạ ngăn giọt bắn. Sản phẩm được làm bằng tấm nhựa mica, xốp, dây thun và băng keo; giúp người đeo che chắn phần mặt, ngăn giọt bắn khi tiếp xúc với người bệnh. Mỗi chiếc mặt nạ đều dán dòng chữ “Tuổi trẻ phường Tây Sơn chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”.
Sản phẩm hoàn thành, Đoàn phường gửi tặng Trạm Y tế phường Tây Sơn và ủng hộ tỉnh Quảng Nam thông qua một nhóm thiện nguyện. Chị Bùi Mỹ Hạnh-Bí thư Đoàn phường Tây Sơn-cho hay: “Trước đó, Đoàn phường đã may hơn 1.300 chiếc khẩu trang vải tặng người dân. Chúng tôi đang tiếp tục làm mặt nạ để gửi tặng các đơn vị”.
CHUYẾN XE NGHĨA TÌNH
Từ ngày 1-8 đến nay, anh Võ Phi Hổ (xã Chư Á, TP. Pleiku) đã cùng các thành viên của nhóm Thiện nguyện Gia Lai vận chuyển 4 chuyến hàng hỗ trợ tâm dịch Đà Nẵng. Lúc đầu, anh Hổ cùng 2 người bạn góp tiền mua 5 tạ rau củ chở xuống Đà Nẵng để tặng. Sau chuyến đi này, khi đăng tải hình ảnh trên trang Facebook cá nhân, hành động của nhóm anh Hổ đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng mạng, nhiều người đã liên hệ ủng hộ rau củ, gạo, mì tôm, dầu ăn. Mỗi đợt, nhóm vận chuyển khoảng 6 tấn thực phẩm.
Để vận chuyển hàng, nhóm anh Hổ đã kết nối với chị Khang Thu Phương (quê ở Gia Lai, đang sinh sống tại TP. Đà Nẵng) liên hệ địa chỉ cần hỗ trợ. Sau đó, anh Hổ cùng nhóm chở hàng theo đường Hồ Chí Minh với quãng đường gần 400 km để chuyển thực phẩm đến người dân. Trong quá trình tình nguyện, tất cả các thành viên của nhóm đều đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ và sử dụng nước sát khuẩn.
Anh Hổ chia sẻ: “Mỗi chuyến xe vận chuyển thực phẩm đến TP. Đà Nẵng có 3-4 thành viên, luân phiên lái xe để đảm bảo an toàn. Ngoài thực phẩm, nhiều Mạnh Thường Quân còn ủng hộ tiền để nhóm mua thêm nhu yếu phẩm cần thiết. Những chuyến xe nghĩa tình này chính là sự kết nối, gom góp yêu thương của người dân Gia Lai tiếp sức, cổ vũ TP. Đà Nẵng vượt qua đại dịch”.
 Đoàn viên, thanh niên phường Tây Sơn (TP.Pleiku) tặng mặt nạ ngăn giọt bắn cho người dân. Ảnh: Thủy Bình
Đoàn viên, thanh niên phường Tây Sơn (TP. Pleiku) tặng mặt nạ ngăn giọt bắn cho người dân. Ảnh: Thủy Bình
Từ thông tin nhiều bếp ăn thiện nguyện ở TP. Đà Nẵng đang thiếu hụt nguồn rau xanh, ngày 7-8, chị Đào Thị Phương Dung (169 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) đã đứng ra kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ. Là người thường xuyên tổ chức hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, kết nối và tạo niềm tin với các Mạnh Thường Quân, nên chỉ sau 1 ngày kêu gọi trên trang Facebook, nhiều bạn bè, người thân và các tổ chức đã chủ động liên hệ với chị Dung và sẵn sàng hỗ trợ các bếp ăn trong vùng dịch. Sau đó, chính chị Dung là người lái xe tải đi tiếp nhận sự hỗ trợ và huy động nhân viên gói ghém để thực phẩm vẫn còn tươi ngon khi đến Đà Nẵng.
Sau khi gói ghém thực phẩm cẩn thận, chị Dung ký gửi một xe hàng ở thị xã An Khê để vận chuyển ra chợ đầu mối ở Đà Nẵng, ở đó, sẽ có thành viên của các nhóm thiện nguyện tới tiếp nhận. Theo yêu cầu của các bếp ăn ở Đà Nẵng, mỗi đợt hỗ trợ khoảng 2 tấn rau củ, khoảng 4 ngày chị Dung gửi hàng một lần.
Chị Dung cho biết: “Hiện tôi đã gửi về Đà Nẵng 2 chuyến hàng để bếp nấu ăn cho các bệnh nhân khu cách ly, các sinh viên và những người bán vé số. Không chỉ gửi thực phẩm, chúng tôi còn gửi gắm sự cổ vũ, sự động viên để mọi người có thêm niềm tin, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm