Những người lính nhận khổ về mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chống chịu với vắt rừng và ruồi vàng cắn, gồng mình vượt qua cái lạnh tê buốt hay những khi trời nắng nóng khốc liệt, chật vật giữ lều không bị đổ trước những trận gió lốc và mưa đá...
Quân nhân chuyên nghiệp của chốt Đin Chí (đồn biên phòng Chiềng Tương, Sơn La) nấu cơm trong bếp ăn dã chiến dựng tạm bợ - Ảnh: Văn Kiên
Quân nhân chuyên nghiệp của chốt Đin Chí (đồn biên phòng Chiềng Tương, Sơn La) nấu cơm trong bếp ăn dã chiến dựng tạm bợ - Ảnh: Văn Kiên
Để ngăn dịch tràn qua biên giới, những người lính biên phòng đã sống trong khắc nghiệt như thế.
“Thấy bộ đội vất vả, bà con lại thương hơn. Các sản vật làm rẫy, làm nương, họ gùi lên tận nơi cho. Chỉ vậy thôi nhưng bao vất vả trôi đi hết, hạnh phúc lắm.
Trung tá Đỗ Xuân Trinh
"Chiến đấu" với vắt rừng và ruồi vàng
"Trước giờ môi trường làm việc của biên phòng đã là như vậy, nên trong thời gian tăng cường chống dịch COVID-19, anh em không ai thoái thác mà luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ" - trung tá Đỗ Xuân Trinh, đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam), chia sẻ.
Quảng Nam có nhiều rừng nguyên sinh. Vắt rừng và ruồi vàng toàn tuyến biên giới mà đồn biên phòng Nam Giang quản lý chỗ nào cũng có. 
Khi đi tuần, bộ đội biên phòng bị vắt bám từ đầu đến chân. Để chống vắt, họ rải vôi bột và tro bếp xung quanh khu vực dựng lều dã chiến. Nhưng ruồi vàng thì chịu. 
Đồn trưởng Đỗ Xuân Trinh bảo bị vắt hút máu là còn đỡ, chứ ruồi vàng cắn mới khổ. Có người bôi thuốc 2-3 ngày, có người phải một tuần mới hết ngứa. Ngứa đến mức không ngủ được, đôi khi bị sưng phù hay phát sốt.
Phải về đồn chữa bệnh trong khi đồng đội đang căng mình chống dịch, trung úy Trần Huy, 23 tuổi, bảo rất sốt ruột. Đợt này anh được tăng cường lên các chốt dọc biên giới. Khi đến chốt số 1 làm chốt trưởng, bị ruồi vàng cắn nên chân tay Huy sưng phù, mẩn ngứa và phát sốt. 
"Khi nào khỏi mình sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở chốt số 4, ít ruồi vàng hơn" - trung úy Trần Huy cho biết.
Chốt số 1 quản lý cột mốc từ 720 đến 724, là nơi đóng gần đồn nhất nhưng phải đi tuần xa nhất. "Từ mốc này sang mốc kia khoảng 3km nhưng đi đã mất một ngày, về một ngày" - trung úy Trần Huy thông tin thêm.
Chốt gồm bảy anh em, chia thành hai tổ: cứ một tổ đi tuần tra trực trong chốt thì tổ còn lại xuống dưới đồn gùi thực phẩm vào. Mỗi lần gùi mất ba tiếng đi bộ. "Từ tết đến giờ anh em thay nhau lên các chốt bám địa bàn, hầu như chưa ai được về" - đồn trưởng Đỗ Xuân Trinh bảo.
Gió lốc thổi bay lều bộ đội
Cách đây mấy ngày, một trận gió lốc và mưa đá lớn lại quét qua chốt Đin Chí của đồn biên phòng Chiềng Tương (Sơn La). Chốt chỉ là cái lều được căng bạt buộc vào mấy cọc tre. Sau trận mưa đá và gió lốc, chiếc lều dã chiến bị thổi bay! 
Chăn màn, quần áo, đồ đạc văng vãi dưới đất. Khu vực bếp dã chiến, vốn được dựng bằng mấy chiếc cọc tre, lợp tấm fibro ximăng, quây lại bằng mấy mảnh bạt con, tan hoang. Nồi cơm đang nấu trên bếp củi bị đổ, nằm chỏng chơ.
"Mỗi lần mưa đá là vậy đó. Lều bạt bị lủng hết. Có mấy cái bát ăn cơm thì vỡ. Thùng gạo bị đổ, không dùng được vì đất cát trộn vào, phải đi mua gạo mới. Bà con rất thương bộ đội, mang lên cho ít mỡ lợn, ít gạo, rau" - thượng úy Tòng Văn Kiên, 30 tuổi, chốt trưởng chốt Đin Chí nói.
Anh cho hay địa điểm này là nương rẫy, bà con cho bộ đội biên phòng mượn để dựng chốt. Chốt đóng trên đỉnh đồi, không có cây cối che chắn. 
"Mỗi lần mưa gió anh em phải tập trung giữ không cho bay cột, bay lều. Nhưng gió mạnh quá cũng không trụ được, bay 2-3 lần rồi. Có lúc ngủ, bên trong thì đắp chăn nhưng bên ngoài phải lấy áo mưa che, sợ mưa dột ướt chăn màn" - thượng úy Kiên kể.
Đồn biên phòng Chiềng Tương có bốn chốt kiểm tra phòng chống dịch COVID-19. Mỗi chốt quản lý 6-7km đường biên. Khu vực này toàn đất đồi, đường đèo dốc rất khó đi. Mỗi khi mưa lại trơn trượt, lầy lội không đi xe được. 
Vậy mà bất kể ngày hay đêm, bộ đội biên phòng vẫn kiên trì đi tuần tra, mật phục ở những đường mòn lối mở xem có người nào vượt biên sang hay không. Ngoài những người Việt làm ăn bên nước bạn vượt biên về tránh dịch còn có cả người Lào vượt biên sang... đi chợ.
Chốt trưởng Kiên giải thích: "Chợ bên Lào rất xa nên họ vượt biên, sang đi chợ Việt Nam cho gần. Trước đây cứ 3-4 ngày hoặc một tuần họ lại sang. Nhưng đang dịch mình không thể tạo điều kiện được, phải giải thích cho bà con quay về".
Dấu chân trên đỉnh Trường Sơn
Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang quản lý đoạn đường biên giới dài hơn 32km, giáp với Lào. Để phòng chống dịch, ngăn người vượt biên qua lại, đồn đã lập bốn chốt kiểm soát dã chiến dọc biên giới, cũng là trên dọc đỉnh dãy Trường Sơn.
Dãy Trường Sơn đi qua Quảng Nam hầu hết là các điểm cao, độ gãy khúc lớn nên việc đi lại giữa các mốc biên giới rất vất vả.
Gian nan nhất là chốt phụ trách mốc 718 và 719. Bộ đội phải đi bộ liên tục ba tiếng mới đến nơi cắm chốt. Hằng ngày, đi tuần từ mốc nọ đến mốc kia mất 3-4 tiếng.
Đường đi không có, tuần tra đến đâu bộ đội phải phát quang đến đó. Có nhiều đoạn họ phải đi bằng tay, bấu víu vào cây, vào đá mà đu xuống. Gặp đoạn cứ lên dốc thẳng đứng, vừa lên đỉnh núi xong lại phải bò xuống thác rồi lại leo lên.
Mùa này trên đỉnh Trường Sơn nếu không mưa to thì sương mù dày đặc. Ban đêm chiến sĩ phải đốt bếp lửa thường xuyên để sưởi ấm.
MY LĂNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm