Lê Đức Anh (SN 1990) và Phan Văn Hồng Thắng (SN 1988) là hai tấm gương điển hình về sáng tạo trong lao động, sản xuất với những sáng kiến làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng.
Phan Văn Hồng Thắng chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo của bản thân tại một diễn đàn thanh niên. |
7 năm, 37 sáng kiến
Ở Cty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất, Phan Văn Hồng Thắng (SN 1988), Phó phòng sản xuất được mọi người đặt cho biệt hiệu “vua sáng kiến”. Chỉ với 7 năm tuổi nghề nhưng Thắng có đến 37 sáng kiến mang lại lợi ích cho công ty hàng chục tỷ đồng.
Tốt nghiệp xuất sắc ngành Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), Thắng từng làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương 3.000 Euro (hơn 80 triệu đồng). Sau đó anh đi tu nghiệp ở châu Âu. Nhưng với khát khao trở về cống hiến cho Tổ quốc, năm 2012, Thắng đầu quân cho Cty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất.
“Thiết bị của Cty là hàng chuyên dụng từ Mỹ nên thời gian chuyển về Việt Nam phải mất ít nhất là 3-4 tháng, giá thành lại rất cao. Vì vậy, mình và một số đồng nghiệp quyết định thực hiện sáng kiến cải tiến hệ thống điều khiển trong nhà máy; mua các thiết bị ở Việt Nam thay thế và lập trình lại cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, Thắng chia sẻ.
Từ sáng kiến đầu tay này, đến nay Thắng đã có 37 đề tài, giải pháp được Tổng Cty Thép Việt Nam ghi nhận và áp dụng vào thực tiễn như: Tín hiệu interlock trong quá trình chạy máy giúp ngăn chặn hiện tượng lỗi khi vận hành, giảm các sự cố đứt thép do lỗi thiết bị dừng đột ngột, đảm bảo theo dõi đánh giá quá trình hoạt động của nhà máy, tiết kiệm chi phí khi phải mua thiết bị từ nước ngoài; cài đặt, thiết lập, kết nối, chương trình tổng hợp 5 trong 1 cho hệ thống điều khiển trung tâm lập trình logic đảm bảo máy móc chạy ổn định, làm chủ công nghệ, không phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài… Áp dụng sáng kiến tín hiệu interlock đã giúp Cty tiết kiệm nhiều tỷ đồng.
“Sáng tạo không thể chỉ có mỗi nhiệt tình. Các giải pháp sáng tạo phải dựa trên kiến thức, cơ sở khoa học và phải tính toán, lượng hóa được lợi ích, giá trị doanh nghiệp được thụ hưởng. Có như vậy mình mới thuyết phục được cấp trên đồng ý với phương án của mình”, Thắng chia sẻ.
Giảm ca làm cho công nhân
Tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thực phẩm (ĐH Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh), Lê Đức Anh xin vào làm công nhân tại Cty Cổ phần Thực phẩm Cholimex với mong muốn “được làm việc đúng chuyên môn, ứng dụng kiến thức để đổi mới sản xuất”. Chỉ sau hai tháng làm công nhân, với nỗ lực của bản thân, Đức Anh được đề bạt làm đội phó đội sản xuất nước tương.
Nhà xưởng Cty có diện tích hẹp, chỉ đặt được bốn dây chuyền đơn chiết rót nên công nhân phải tăng ca và làm thêm cả Chủ nhật mới đủ sản lượng. Điều này khiến Đức Anh luôn trăn trở nghĩ cách giảm ca làm cho công nhân nhưng vẫn tăng năng suất lao động. Sau mỗi ngày tan ca, Đức Anh lại dành thời gian nghiên cứu về quy trình sản xuất chế biến. Với ý tưởng cải tiến, thiết kế máy chiết rót đơn thành máy đôi, Đức Anh đã chinh phục được Ban giám đốc Cty.
Sau ba tháng miệt mài vừa làm, vừa thử nghiệm, máy chiết rót đôi chạy thử thành công, vừa tiết kiệm được diện tích, vừa tăng năng suất hơn 20%. Sản lượng từ 45.000 lít/ngày tăng lên 50.000 lít/ngày. “Ở Cty công nhân làm theo khoán sản phẩm, nếu sắp xếp hợp lý họ sẽ làm ra nhiều sản phẩm hơn, hoặc có thời gian làm việc khác, tăng thu nhập. Việc không phải làm thêm Chủ nhật, công nhân có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động”, Đức Anh nói.
Được đà xông lên, Đức Anh tiếp tục đưa ra ý tưởng tái sử dụng nước làm mát bồn thủy phân để vệ sinh máy, thiết bị, nhà xưởng. Bằng cách sử dụng túi lọc cặn, nguồn nước trước đây bị xả bỏ sau khi đã làm mát bồn thủy phân, giờ được tái sử dụng. Mới đây, Đức Anh có thêm sáng kiến về băng tải lựa ớt. Với sáng kiến này đã giảm 80% sức lao động của người lao động, tăng 300% năng suất.
Từ những sáng kiến trên của Đức Anh đã giúp Cty tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra sáng kiến này giúp tăng 20% sản lượng, tiết kiệm 10% nhân lực. “Khó khăn lớn nhất là vượt qua chính bản thân mình. Đôi khi mình có sáng kiến tốt nhưng không mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo thì nó chỉ nằm trên giấy. Mình hạnh phúc khi sáng kiến được lãnh đạo Cty ủng hộ, mang lại hiệu quả trong công việc”, Đức Anh chia sẻ.
Với những sáng kiến của mình, Lê Đức Anh và Phan Văn Hồng Thắng vinh dự là 2 trong 65 gương Người thợ trẻ giỏi toàn quốc vừa được vinh danh giải thưởng Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội. |
Lộc Hà (TPO)