Những thí sinh sở hữu nhiều "tấm vé" vào đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm nay, các trường đại học (ĐH) tiếp tục áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Ngay sau khi kết quả trúng tuyển đợt 1 được công bố, không ít thí sinh ở Gia Lai đã vỡ òa vui mừng khi sở hữu trong tay nhiều “tấm vé” bước vào giảng đường ĐH. 
1. “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió…”-những câu hát trong ca khúc “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập có lẽ khá đúng với hoàn cảnh của cô gái Phan Ngọc Cát Tường (tổ 7, thị trấn Kbang).
Tường có niềm yêu thích đặc biệt với những con số. Vì thế, em quyết tâm thi vào lớp chuyên Toán của Trường THPT chuyên Hùng Vương. Giữa lúc đang học tập hăng say nhất thì Tường lại phát hiện sức khỏe của mình không được tốt. Đó là khoảng cuối tháng 3-2019, khi em đang tham gia đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán của trường. Những cơn sốt cao thường xuyên xuất hiện và kéo dài khiến em mê man. Các cơ nhức mỏi, khắp người nổi ban đỏ và ngứa. Tường đành phải tạm dừng việc học để nhập viện điều trị hơn 5 tháng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).
“Trong suốt 3 tháng nhập viện, em được chuyển từ khoa này sang khoa khác nhưng bác sĩ vẫn chưa tìm ra được bệnh. Mỗi khi nghĩ đến việc mình không thể đến trường, em đã nhiều lần bật khóc. Ba mẹ và cả bạn bè đã động viên em rất nhiều. Cuối cùng, bác sĩ kết luận em mắc bệnh Still-một bệnh viêm hệ thống không rõ nguyên nhân”-Tường nhắc nhớ.
Nỗ lực vượt qua căn bệnh Still, em Phan Ngọc Cát Tường (đứng, bìa trái) trở thành niềm tự hào của gia đình khi cùng lúc trúng tuyển vào nhiều trường đại học. Ảnh: Mộc Trà
Tháng 7-2019, Tường trở lại trường để hoàn tất kỳ thi kết thúc năm học lớp 10. Sau đó, gia đình quyết định chuyển em về học tập tại Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang) để tiện bề chăm sóc. Năm học lớp 12, em lên Pleiku và theo học ở Trường THPT Chi Lăng. Mặc dù bệnh Still vẫn chưa khỏi hẳn gây khó khăn, song Tường không ngừng nỗ lực vươn lên. Không chỉ giữ vững thành tích học sinh giỏi suốt 12 năm, vừa qua, niềm vui càng thêm nhân đôi khi Tường trúng tuyển vào các trường ĐH thuộc tốp đầu ở khu vực phía Nam bằng nhiều phương thức. Theo đó, qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với số điểm 28,8 ở khối D07, em đã trúng tuyển vào ngành Kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cô gái này còn cầm chắc “tấm vé” vào thẳng Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP. Hồ Chí Minh (ngành Kinh doanh quốc tế; Ngôn ngữ Anh) và Trường ĐH Tài chính-Marketing (ngành Quản trị kinh doanh) bằng học bạ và điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức với 890 điểm.
“Những cố gắng của em cuối cùng đã gặt hái được quả ngọt. Em chọn Trường ĐH Ngoại thương để bước tiếp vì đây là ngôi trường từ lâu em hằng mơ ước”-Tường cho biết.
2. Trong ngôi nhà nhỏ tại số 163 Wừu (TP. Pleiku), chàng trai nhỏ nhắn Man Đức Thanh cũng đã sẵn sàng hành trang để chính thức trở thành tân sinh viên Y khoa của Trường ĐH Y dược Huế vào đầu tháng 10 tới. Thanh là 1 trong số 30 học sinh của Trường THPT chuyên Hùng Vương trúng tuyển ĐH bằng 2 phương thức xét tuyển trong đợt 1-2021. Bên cạnh chuyên ngành đã lựa chọn, Thanh còn đậu vào ngành Răng-Hàm-Mặt của các trường ĐH Y dược Huế, ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh, ĐH Y Hà Nội; khoa Y của Trường ĐH Đà Nẵng; ngành Sư phạm Sinh học Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) bằng phương thức tuyển thẳng và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thanh phấn khởi bày tỏ: “Điểm chuẩn của ngành Y mọi năm rất cao cũng như tiêu chuẩn xét tuyển thẳng vào ngành này rất khó nên em có phần hơi lo lắng. Vì thế, khi biết tin mình trúng tuyển các nguyện vọng ở cả 2 phương thức xét tuyển, em thực sự vui sướng. Đây sẽ là bước đệm tiếp thêm sự tự tin cho em trên con đường học tập sắp tới”.
Thanh chia sẻ thêm, em là con trai út trong gia đình có ba mẹ đều làm nghề giáo. Khi Thanh vừa tròn 13 tháng tuổi thì ba em qua đời, một mình mẹ tảo tần nuôi hai chị em ăn học. Thấu hiểu sự vất vả của mẹ, Thanh và chị gái luôn cố gắng học hành. Riêng Thanh 12 năm liền luôn là học sinh giỏi toàn diện. Dù là học sinh chuyên Toán nhưng Thanh đã quyết định thử sức với môn Sinh học và đạt được những thành tích nhất định. Đó là giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh và giải ba học sinh giỏi quốc gia ở bộ môn này vào 2 năm lớp 11 và 12. Kết quả này là cơ hội giúp cánh cửa vào ĐH của Thanh rộng mở hơn. “Điều khiến em trăn trở nhất bây giờ là học phí ĐH khá cao, mẹ em chắc hẳn sẽ chịu nhiều vất vả hơn nữa”-Thanh bộc bạch.
3. Thay vì hồi hộp đợi ngày nhập học như nhiều bạn bè khác, hơn 2 tuần qua, em Trịnh Gia Uyên (tổ 1, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đã nếm trải cảm giác của một tân sinh viên với nhiều cung bậc cảm xúc. Hiện Uyên đang theo học ngành Kinh doanh Quốc tế của Trường ĐH Western Sydney, nằm trong chương trình liên kết đào tạo giữa Viện ISB (Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và Đại học Western Sydney (Úc). “Em chính thức bước vào năm thứ nhất ĐH từ ngày 13-9. Tuy nhiên, do dịch bệnh, em vẫn đang học tập trực tuyến tại nhà”-Uyên cho hay. 
Với thành tích học tập tốt và điểm thi cao, em Trịnh Gia Uyên sở hữu nhiều “tấm vé” bước vào ĐH. Ảnh: Mộc Trà
Cũng giống như Tường và Thanh, 12 năm liền, Uyên đều là học sinh giỏi. Đặc biệt, những năm THPT, em còn mang về niềm tự hào cho gia đình và Trường THPT chuyên Hùng Vương với huy chương vàng môn Địa lý tại cuộc thi Olympic truyền thống 30-4 năm học 2018-2019; giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh cùng giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý các năm học 2019-2020 và 2020-2021. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đạt 9,22 điểm xét tốt nghiệp và 27,15 điểm xét tuyển ĐH. 
Với thành tích học tập tốt và điểm thi cao, không quá bất ngờ khi Uyên cũng là gương mặt sở hữu nhiều “tấm vé” vào ĐH của tỉnh nhà. “Ngoài Trường ĐH Western Sydney, em còn trúng tuyển vào ngành Khoa học thông tin Địa không gian của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Mặc dù đam mê môn Địa lý, thế nhưng em đã mạnh dạn rẽ lối sang lĩnh vực kinh tế. Em nghĩ, ngành học này với quá trình học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ giúp em rèn luyện đa kỹ năng và có nhiều cơ hội việc làm hơn trong tương lai”-Uyên chia sẻ.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm