Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Những triệu phú thương binh hết lòng vì cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuy cơ thể không còn lành lặn nhưng nhiều thương binh ở Gia Lai vẫn nỗ lực vượt khó trên mặt trận sản xuất kinh doanh để làm giàu chính đáng. Không những thế, họ còn hết lòng cống hiến cho cộng đồng bằng những việc làm thiết thực.

Quyết tâm làm giàu

Ông Vũ Văn Hợi ở thôn 4 (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) là thương binh 4/4. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông kể về những trận đánh ác liệt ở biên giới phía Bắc của gần 50 năm về trước, nơi ông đã kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu và để lại một phần cơ thể của mình.

Trở về cuộc sống đời thường, cơ thể mang nhiều thương tích nhưng ông Hợi chưa bao giờ cảm thấy bế tắc, đầu hàng số phận. Hàng ngày, ông bám ruộng bám vườn tăng gia sản xuất chăm lo cuộc sống gia đình và nuôi 3 người con ăn học. Năm 1995, ông Hợi đưa vợ con từ Hải Dương vào làm công nhân ở Nông trường Chè Đak Đoa.

Thương binh Vũ Văn Hợi (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Đ.Y

Ông Hợi hồi nhớ: Khi mới vào đây lập nghiệp, cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Vợ làm công nhân cho Nông trường Chè Đak Đoa, còn ông đi làm thuê làm mướn. Cuối năm 1995, được địa phương tạo điều kiện, ông vay 2 triệu đồng từ ngân hàng và vay thêm của người dân mua được 1 ha đất trồng cà phê kết hợp chăn nuôi. Đến năm 1998, ông đảm nhận thêm vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn. Trong 3 năm (2000-2003), ông được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Giai đoạn 2004-2012, ông là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Krong.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông đã đứng ra ký kết hợp đồng với các công ty phân bón bán cho nông dân với hình thức trả chậm. Nhờ đó, hàng ngàn hộ nông dân trong vùng có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Năm 2012, sau khi không tham gia công tác ở xã, ông về mở đại lý phân bón Vũ Hợi. Hàng năm, đại lý bán hàng ngàn tấn phân các loại theo hình thức trả chậm cho nông dân trong vùng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.

“Năm 2017, gia đình tôi đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, gia đình có 2 ha cà phê, 100 cây sầu riêng đang kinh doanh. Năm 2023, thấy tiềm năng ở vùng đất này có chim yến, tôi đã đầu tư xây 500 m2 nhà nuôi yến với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024, tôi tiếp tục xây nhà thứ hai nuôi yến khoảng 1,7 tỷ đồng nữa”-ông Hợi phấn khởi cho biết.

Ông Đỗ Thế Trạch-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đak Đoa-nhận xét: “Thương binh Vũ Văn Hợi luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Ông nhiều lần được Trung ương Hội CCB Việt Nam và Hội CCB các cấp khen thưởng vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi”.

Thương binh Nguyễn Thành Trung (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu và cống hiến cho cộng đồng. Ảnh: Đinh Yến

Tương tự, thương binh Nguyễn Thành Trung (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) cũng là một trong những triệu phú và đang đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi xã Nghĩa Hòa. Sau 11 năm tham gia quân ngũ, năm 1982, ông Trung trở về quê hương Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) sinh sống. Năm 1983, ông lập gia đình. Năm 1986, gia đình ông vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp.

Trong một lần sang thăm bác ruột ở Gia Lai, thấy vùng đất này bằng phẳng nên năm 2000, ông đưa gia đình sang xã Nghĩa Hòa định cư. Ông Trung chia sẻ: “Với số tiền tích lũy được, tôi mua được 7 ha đất hết 150 triệu đồng để trồng cà phê. Số tiền còn lại, tôi dựng tạm ngôi nhà để ở. Hàng ngày, vợ chồng đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống, rồi tiết kiệm, tích góp mua giống, phân bón. 2 năm sau, tôi cũng trồng được 7 ha cà phê.

Nhờ cà phê mà vợ chồng tôi nuôi được 6 đứa con ăn học. Hiện vợ chồng tôi giữ lại 3 ha, trong đó 1 ha cà phê, 2 ha sầu riêng. Mỗi năm, gia đình tôi thu từ cà phê, sầu riêng cũng được trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn 700-800 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Duy Cường-Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi huyện Chư Păh-nhận xét: “Thương binh Nguyễn Thành Trung luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế cho các hội viên CCB khác noi theo”.

Chia sẻ với cộng đồng

Mấy chục năm qua, thương binh Hoàng Trung Sáu (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Sáu cho hay: Sau năm 1975, ông rời quân ngũ trở về quê hương Bình Lục (tỉnh Hà Nam) sinh sống. Năm 1997, ông quyết định đưa vợ con vào thôn Thanh Bình lập nghiệp.

Thương binh Hoàng Trung Sáu (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: Đ.Y

“Những ngày đầu, tôi mượn người quen mảnh đất dựng tạm căn chòi có chỗ trú nắng trú mưa. Sau 1 cơn lốc mạnh, căn chòi bị cuốn phăng. Thương hoàn cảnh của gia đình nên bà con lối xóm sang giúp làm lại. Vợ chồng tần tảo làm thuê làm mướn cũng nuôi được 3 đứa con khôn lớn. Sau khi tích góp, năm 2000, gia đình mua được 1 ha đất trồng cà phê. Mấy năm nay, nhờ chuyển đổi trồng xen cây sầu riêng nên cũng có thêm nguồn thu nhập. Mỗi năm, cũng tích lũy được khoảng 300 triệu đồng”-ông Sáu tâm sự.

Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh: Toàn tỉnh có hơn 38.000 hội viên CCB, trong đó có 2.735 người là thương binh. Nhiều thương binh đi đầu trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú. Không những vậy, các thương binh còn nỗ lực đi đầu trong các phong trào thi đua, tạo việc làm cho người dân địa phương, trở thành những tấm gương sáng trong cuộc sống để thế hệ trẻ noi theo.


Hiện nay, ông Sáu là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã và Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi xã. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hàng năm, ông Sáu dành khoảng 10 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn xã.

Ông Hoàng Văn Nghiêm-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Bă-khẳng định: “Ông Sáu luôn quan tâm đến CCB và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vào dịp lễ, Tết, gia đình ông lại dành tiền trợ cấp hàng chục triệu đồng mua quà tặng người nghèo. Đặc biệt, nhiều năm qua, dù không có tiền trợ cấp nhưng ông Sáu vẫn hết mình vì cộng đồng”.

Trong khi đó, thương binh Nguyễn Thành Trung lại phát huy tinh thần gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua, hiện ông còn đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi xã Nghĩa Hòa. Ông Trung đã vận động các hội viên đóng góp xây dựng quỹ để cho các hội viên khác khó khăn hơn mượn phát triển sản xuất.

Ông Lê Văn Bông-Thành viên Câu lạc bộ-chia sẻ: “Gia đình tôi được ông Trung và các thành viên thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kinh nghiệm, vốn, giống trong sản xuất. Tôi học hỏi kinh nghiệm và ý chí vươn lên của các hội viên khác để tìm hướng phát triển, vươn lên làm giàu”.

Với thương binh Vũ Văn Hợi, nhiều năm qua, ông luôn đi đầu trong việc ủng hộ các loại quỹ nhân đạo, từ thiện, khuyến học, xây dựng nông thôn mới... tại địa phương. Đặc biệt, ông còn đứng ra vận động, kêu gọi hỗ trợ làm 4 km đường nối từ trục đường chính của xã Đak Krong về làng Đê Thung. Ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hmu (làng Klot, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, nhờ có ông Hợi bán phân bón trả chậm mà gia đình tôi trồng được 7 sào cà phê, năm nào cũng đạt sản lượng 2 tấn nhân. Không những vậy, ông Hợi còn chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cà phê, tạo việc làm cho chúng tôi, với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng”.

Có thể bạn quan tâm