Nơi hội tụ những "nhà khoa học" trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2022-2023 vừa khép lại vào chiều 7-1. Không chỉ giúp học sinh Gia Lai thỏa sức sáng tạo, phát huy năng lực trong nghiên cứu, sân chơi bổ ích này còn góp phần “ươm mầm” những “nhà khoa học” trẻ. 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Phó Trưởng ban tổ chức, cuộc thi năm nay thu hút đông đảo giáo viên và học sinh từ các trường trung học trong toàn tỉnh tham gia với 76 dự án ở 5 nhóm lĩnh vực. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 5 giải nhất, 7 giải nhì, 11 giải ba và 15 giải tư. Các dự án năm nay được đánh giá đồng đều hơn giữa các lĩnh vực; tác giả có sự đầu tư theo chiều sâu. Một số dự án có hàm lượng khoa học cao, quan tâm đến vấn đề môi trường, tâm sinh lý, vấn đề mang tính thời sự và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Nhiều học sinh biết khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc địa phương; tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực du lịch của tỉnh trong tương lai. Đáng chú ý, cuộc thi năm nay đã cho thấy sự vươn lên của các đơn vị trường học ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa khi có dự án đạt thành tích cao”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định.
Với dự án “Ứng dụng hỗ trợ giao tiếp và học tập bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính (Sign talk)”, em Trần Đăng Khoa-học sinh lớp 12A7, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) đã xuất sắc giành giải nhất. Dự án của Khoa được thực hiện với mục đích xóa bỏ rào cản giao tiếp, giúp người khiếm thính hòa nhập với xã hội. Đặc biệt, tính năng YouTube dành riêng cho người khiếm thính sẽ giúp họ tiếp cận những thông tin trên nền tảng này một cách dễ dàng thông qua việc mô phỏng ngôn ngữ ký hiệu dưới dạng 3D. “Sau khi hoàn thành dự án, em đã thử nghiệm tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật An Yên (xã Trà Đa, TP. Pleiku) và thu về kết quả tích cực, độ chính xác cao. Giải thưởng tại cuộc thi chính là động lực để em tiếp tục tối ưu hóa sản phẩm, tiến đến hỗ trợ cho người khiếm thính một cách rộng rãi hơn”-Khoa khẳng định. 
Em Trần Đăng Khoa (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) giới thiệu về dự án của mình. Ảnh: Mộc Trà
Không chỉ mang về giải nhất, dự án “Chế tạo thiết bị phát hiện vi khuẩn trong nước uống và thực phẩm dựa trên nền tảng Internet vạn vật (IoT) của nhóm tác giả Văn Gia Hy-Đỗ Hà Minh Thái (Trường THPT chuyên Hùng Vương) còn là 1 trong 2 đại diện của tỉnh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 3-2023. Chia sẻ về dự án, Hy cho hay: Nhiễm khuẩn từ thức ăn, nước uống có thể gây các bệnh tiêu chảy, tổn thương niêm mạc ruột, nhiễm khuẩn đường huyết, viêm màng não, thậm chí còn dẫn đến tử vong. Trong khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn giữ thói quen sử dụng nguồn nước trực tiếp từ thiên nhiên, chưa qua xử lý, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Vì thế, chúng em đã chế tạo một thiết bị phát hiện vi khuẩn trong nước uống và thực phẩm để mọi người có được sự cảnh báo. Chúng em rất vui khi nỗ lực của mình được ghi nhận và sẽ cố gắng đạt được kết quả tốt ở cuộc thi cấp quốc gia. 
Mang về giải ba chung cuộc với dự án liên quan đến bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của đồng bào Bahnar trong học sinh, 2 em Trang và Lơi (Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cũng rất phấn khởi. “Cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ mai một khi giới trẻ hiện nay không còn mặn mà. Chính vì thế, chúng em mong muốn thông qua dự án của mình có thể giúp học sinh Bahnar trong trường thay đổi ý thức bảo tồn và giữ gìn văn hóa cồng chiêng. Chúng em còn được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện thành lập đội cồng chiêng và múa xoang, thường xuyên tập luyện và biểu diễn trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, sự kiện quan trọng của địa phương; qua đó, tạo được một đội ngũ kế cận đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm từ thế hệ đi trước”-Trang chia sẻ.
Dự án liên quan đến bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Kon Chiêng (huyện Mang Yang) đạt giải ba tại cuộc thi. Ảnh: Mộc Trà
Ngoài Ban tổ chức, các trường đại học và nhà tài trợ cũng đã bình chọn, trao giải cho một số dự án. Đồng hành, hỗ trợ cùng Sở GD-ĐT trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học từ năm 2019, năm nay, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã lựa chọn 5 dự án có tính sáng tạo, đầu tư nghiên cứu và thực nghiệm công phu để trao giải đặc biệt (2 triệu đồng/giải); đồng thời, trao giải cho 20 dự án tiềm năng (1 triệu đồng/giải). Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Gia Như-Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính (Đại học Duy Tân) đánh giá: “Tôi thấy rằng, các dự án được lựa chọn vào vòng chung khảo và đạt giải đều có sự dày công nghiên cứu cũng như sự đầu tư của nhà trường, giáo viên và cá nhân học sinh. Nội dung trình bày trong báo cáo, poster thể hiện quy trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, xác định đúng mục tiêu và phương pháp nghiên cứu, quá trình tự nghiên cứu của học sinh. Năm nay, chất lượng các dự án tham gia dự thi rất tốt, nhiều dự án có tính sáng tạo cao tập trung vào những vấn đề thiết thực, có ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao; ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 như AI, IoT, Cloud…”.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm