Nữ kỹ sư bỏ việc để sáng tạo sản phẩm thủ công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trở thành kỹ sư công nghệ in nhiều năm, nhưng cuối cùng, Đoan Thục lại bỏ nghề để theo đuổi niềm đam mê từ bé: sáng tạo đồ thủ công.

Đoan Thục ngồi ở bãi cỏ sau lưng nhà



Từ bỏ công việc suốt 15 năm gắn bó

Đinh Lý Đoan Thục sinh ra ở thị trấn Dran, Đơn Dương, Lâm Đồng. Thục tự nhận mình là người mộng mơ vì lớn lên ở một thị trấn xinh đẹp, có những rừng thông, triền đồi phủ đầy cỏ lau và hoa dã quỳ.

“Từ nhỏ mình đã rất thích những việc làm thủ công như việc ngắt đám xuyến chi dại cắm vào cái bình tự chế hay là nhặt những quả thông rồi đặt vào cái kệ sách nhỏ... Tuy nhiên, lớn lên mình lại trở thành kỹ sư công nghệ in. Ra trường đi làm đúng ngành nghề được học, nhưng đâu đó trong mình vẫn muốn làm những việc mà mình yêu thích từ bé”, Đoan Thục cho biết.


 

Đoan Thục đã từ bỏ công việc ổn định để thực hiện ước mơ từ bé



Lý giải về quyết định bỏ nghề để quay lại với niềm đam mê thời thơ bé, Thục nói: “Sau 15 năm đi làm và có một vị trí nhất định ở một công ty lớn, nhưng dường như mình không là mình, làm việc nhưng không hạnh phúc, mặc dù công việc làm khá tốt. Cộng thêm Sài Gòn là thành phố quá bận rộn, nên mình càng ngày càng thấy lạc lõng ở đó. Mình dường như phải gồng mình lên để thở, để sống mỗi ngày. Mình đã quyết định cùng với gia đình, trở về nơi mình sinh ra và sáng tạo ra những sản phẩm thủ công mà mình mơ ước”.


Câu nói "mày điên rồi" là câu Thục nghe nhiều nhất từ mọi người khi biết cô sẽ nghỉ việc. Nhưng rồi tiệm thủ công Nhiên handmade của Đoan Thục đã ra đời từ đó.

Hạnh phúc khi làm được điều mình thích

Những sản phẩm thủ công của Thục được làm theo phong cách macramé, tạm dịch Nghệ thuật trang trí bằng cách thắt nút tạo hoa văn. Theo Thục, nghệ thuật macramé đã lan rộng nhờ những thợ dệt người Ả Rập ở thế kỷ thứ 13. Sau khi dệt khăn tắm, khăn choàng..., họ tết những sợi chỉ thừa ở hai đầu thành những hoa văn đẹp mắt.

Thục chia sẻ: “Thật tình cờ, do mình yêu thích cây cỏ hoa lá và trồng khá nhiều trong nhà, nên mình tìm hiểu cách treo chúng lên để thêm được nhiều không gian, và macramé đến với mình như vậy. Kỹ thuật này không quá khó, mọi người đều có thể làm được nếu yêu thích. Chỉ với vài nút xoắn, nút thắt, bạn có thể tạo ra các sản phẩm macramé tuyệt đẹp”.

 

 
 
Một số sản phẩm do Thục sáng tạo



Lúc bắt đầu công việc, Thục không gặp nhiều trở ngại về kỹ thuật vì cô vốn khéo léo và có khiếu thẩm mỹ. Nhưng khó khăn của Thục là làm sao để bán được sản phẩm. Trong 3-4 tháng đầu, Thục không bán được sản phẩm và cũng không biết cách để quảng bá. Dù vậy, Thục không bỏ cuộc, hằng ngày cô vẫn ra cửa tiệm cặm cụi làm việc. Sự chăm chỉ của Thục cuối cùng cũng được đền đáp. “Mình đã khóc khi có một người bạn gái ở Sài Gòn mua hàng. Rồi có nhiều người khác tìm đến, người này giới thiệu người kia, dần dần tiệm mình cũng có nhiều đơn đặt hàng”, Thục nhớ lại.

Theo Thục những món đồ dễ thương được Thục làm ra chủ yếu từ dây cotton, dây bố... rất hợp với các quán cà phê, văn phòng làm việc lựa chọn để trang trí, như vật dụng treo cây, treo bình hoa, tranh gỗ, thảm, giỏ xách…

“Công việc hiện tại khiến mình cảm thấy hạnh phúc vì được làm những điều mình thích, được sống một cuộc sống giản dị, nhẹ nhàng thoải mái và không bon chen ngay tại quê hương”, Thục chia sẻ.

Mỹ Quyên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm