Ở tuổi 36, Nguyễn Minh Thư Nhiên đang là phó giáo sư ĐH Khoa học và kỹ thuật Na Uy (NTNU), trường đại học lâu đời và danh tiếng. Nhiều người bạn nước ngoài chia sẻ: 'Cứ nghe tên Việt Nam, chúng tôi lại nghĩ đến Nhiên'.
Xuất phát điểm là dân chuyên lý, Thư Nhiên đã vượt qua khó khăn về ngôn ngữ, sự trống trải khi một mình vươn lên ở xứ người, định kiến "phụ nữ không cần học cao". |
Dịp 20-10, bạn đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về câu chuyện của mình.
"Bất cứ khi nào chúng ta làm việc vì người khác, để giúp người khác thì tự khắc động lực sẽ lớn hơn nhiều so với việc làm chỉ vì bản thân. Nó cho tôi năng lượng tích cực để không bị kiệt sức"-Nguyễn Minh Thư Nhiên |
* Những thử thách lớn nhất trong quá trình du học của bạn?
- Lúc đầu tôi cứ nghĩ ngôn ngữ là rào cản lớn nhất nhưng sau đó lại nhận ra kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử và những kiến thức nền tảng về lịch sử, văn hóa nghệ thuật của thế giới mới là điều đáng bàn. Lại là một quá trình tìm hiểu xem mình không biết gì để bổ sung. Nói thì dễ nhưng làm không dễ!
Bổ sung những kiến thức này giúp mình hòa nhập vào các cuộc nói chuyện dễ hơn và hiểu được những dấu ấn văn hóa khi bàn luận. Từ đó sẽ nhìn vấn đề đa chiều và thoáng hơn, việc học và nghiên cứu theo đó cũng tốt hơn.
Khi mình đã trang bị ngôn ngữ vừa đủ, kỹ năng giao tiếp, khả năng đặt câu hỏi để tìm ra những góc kiến thức mình không biết, thì quá trình du học trở nên hứng thú hơn rất nhiều.
* Nhóm bạn thân đại học của bạn giờ đã lên "xe bông" hết rồi?
- Đúng vậy, tôi toàn bị hỏi sao mãi chưa lấy chồng (cười lớn). Nhiều người hỏi tôi làm nhiều, học lắm để chi? Hạnh phúc của người phụ nữ rốt cuộc nằm ở lấy chồng sinh con mà. Tôi chỉ cười, cảm ơn vì biết những câu hỏi ấy xuất phát từ sự chân thành và lo lắng dành cho mình. Nhưng tôi nghĩ hạnh phúc của người phụ nữ hay của bất cứ ai đều đến từ bên trong nội tại.
Đối với tôi, chỉ cần biết yêu thương và chăm sóc bản thân đúng cách, thực hiện được đam mê của mình, có gia đình cùng những người bạn tri âm tri kỷ và tìm niềm vui trong việc đem lại hạnh phúc cho người khác thì tâm trạng tôi lúc nào cũng vui như tết.
* Ở nơi tuyết trắng quanh năm và thưa người như Na Uy, có bao giờ bạn chạnh lòng?
- Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người làm tiến sĩ thường bị trầm cảm và gần phân nửa không thể hoàn thành, vài nguyên nhân chính là sự cô đơn và áp lực phải tìm ra một cống hiến mới, chưa được đề cập đến trong học thuật.
Một trong những giải pháp tốt nhất là xây dựng mạng lưới kết nối từ lĩnh vực chuyên môn đến củng cố các mối quan hệ gia đình và bạn bè thân thiết. Những người "trợ lực" về tinh thần ấy sẽ giúp mình trong quá trình leo lên đỉnh núi tri thức.
May mắn cho tôi khi có được những người bạn rất tốt trong hành trình này. Tôi nghĩ khi bản thân "mở lòng" thì không có cánh cửa nào đóng sập lại.
* Trong các dự án nghiên cứu của mình, bạn tự hào nhất về "đứa con tinh thần" nào?
- Tôi tham gia nhiều dự án nhưng "đứa con tinh thần" khiến tôi tự hào nhất có lẽ là Dự án SeeRRI. Có thể hiểu nôm na rằng những giải pháp chính phủ đưa ra cần được xây dựng và bàn bạc chung bởi bốn nhóm chính: người làm chính sách, nhà khoa học, người làm trong lĩnh vực chuyên môn kinh tế lẫn kỹ thuật, cuối cùng là người dân.
Để thực hiện được ý tưởng này, SeeRRI bao gồm 12 tổ chức ở năm nước cùng nhau bàn bạc cách thực thi. Đây là dự án đầu tiên tôi giữ vai trò cao nhất, điều hành từ chất lượng khoa học lẫn tiến độ dự án để "đứng mũi chịu sào" trực tiếp với Ủy ban châu Âu.
Công việc đòi hỏi chuyên môn phải vững (chiều sâu) và đủ đa dạng (chiều rộng) để có thể nói chuyện và kết hợp nhiều tài năng với nhau trong quá trình thực hiện. Rất căng thẳng nhưng nhờ thế tôi học được cả một rừng kiến thức cả về khoa học lẫn nhân học.
Dự án đã đi được một phần ba chặng đường và tạo ra tiếng vang nhất định. Tuần rồi tôi được mời trình bày về dự án ở Tuần lễ châu Âu tại Brussels, Bỉ (do Ủy ban châu Âu tổ chức). Đây là sự kiện lớn nhất thế giới trong lĩnh vực tôi theo đuổi, với hơn 9.000 người từ 70 quốc gia tham dự.
* Bạn tự hào điều gì nhất về mình?
- Trong một bài báo phỏng vấn của Hội đồng nghiên cứu Na Uy, tôi nhận được lời nhận xét từ một thành viên của hội đồng rằng: "Tôi mong sẽ có nhiều nhà nghiên cứu Na Uy làm theo gương của Nhiên". Câu nói ấy làm tôi cảm thấy tự hào, không phải vì mình được khen mà vì biết rằng ba mẹ sẽ rất vui khi biết điều này.
Nhưng điều tự hào nhất là trong bài báo đó, tôi được giới thiệu là nhà nghiên cứu người Việt Nam. Cũng như cảm giác hãnh diện khi nghe những người bạn nước ngoài nói với tôi rằng: "Mỗi khi tôi nghe đến nước Việt Nam, tôi sẽ nghĩ đến hình ảnh của bạn, một con người không đầu hàng trước khó khăn. Bạn là đại diện của người Việt Nam trong tôi!".
Tôi tin sự tự hào này không chỉ có trong một vài ngày mà đã tồn tại trong mình từ ngày đầu tiên bước chân đến đất khách, trong lúc khó khăn nhất và là động lực để tôi luôn cố gắng...
* Bạn suy nghĩ gì về câu chuyện "chảy máu chất xám"?
- Tôi tin khi đã thật tâm cống hiến thì người tài dù đang ở đâu cũng sẽ đóng góp được cho quê hương. Ở lại nước ngoài mà quảng bá thành công chân dung Việt và lan tỏa được thông điệp tích cực đến giới trẻ trong nước thì có nên coi là "chảy máu chất xám"?
Như tôi có người bạn thân là Văn Đinh Hồng Vũ (ĐH Stanford, đồng sáng lập ELSA - ứng dụng gọi vốn hàng chục triệu USD tại Mỹ) vẫn thường quay trở về Việt Nam để kết nối, chia sẻ cơ hội cho đàn em. Dẫu đang có em bé chỉ vài tháng tuổi, cô ấy vẫn quyết định về Việt Nam vào tháng 11 tới để giao lưu với nhiều trường đại học tại TP.HCM đó thôi...
Lao động không mệt mỏi
Từng học Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) và Đại học Ngoại thương TP.HCM, sau đó Thư Nhiên giành học bổng thạc sĩ ở Hàn Quốc, tiến sĩ ở Na Uy và là học giả của nhiều chương trình ở những ngôi trường hàng đầu như MIT và Stanford...
Ngoài công tác nghiên cứu và giảng dạy ở NTNU, bạn còn là phó tổng biên tập tạp chí khoa học The Learning Organization (Emerald Publishing) và là nhà nghiên cứu của Viện Nordland Research Institute (Na Uy), tham gia các dự án được Ủy ban châu Âu tài trợ với vị trí chủ chốt.
|
Công Nhật (thực hiện/TTO)