Nuôi bố tàn tật vẫn thi đậu Học viện Quân y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghe tin em Lê Văn Thắng đậu Học viện Quân y với 26,1 điểm, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đều rất vui mừng. Nhiều người cho rằng công sức Thắng học hành chăm ngoan đã không uổng. 
Ông Lê Văn Thọ (39 tuổi) cho biết: Năm 2000, ông lập gia đình và đón con trai đầu lòng là Thắng. Những tưởng hạnh phúc đang mỉm cười thì năm 2004, trong một lần đào giếng thuê, thùng đá bị đứt dây rớt xuống đập trúng cổ ông.
Chữa trị khắp các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh, bao nhiêu tiền của góp nhặt lần lượt đội nón ra đi mà tình trạng của ông vẫn không cải thiện. Thần chết buông tha nhưng ông bị liệt toàn thân.
Từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân ông Thọ đều phải nhờ người thân. 5 năm sau, khi Thắng vào học lớp 3 thì vợ ông rời nhà sang Trung Quốc làm ăn. Thời gian đầu còn thư từ nhưng dần dà không thấy liên lạc nữa. Mẹ ông đã khổ vì con, nay lại thêm đứa cháu. Đến giờ, gần 70, cái tuổi lẽ ra phải được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng thì bà phải túc trực, phục vụ con.
Hiểu được sự vất vả của bà, thương cha số phận không may nên ngay từ nhỏ, Thắng đã ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Đều đặn mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, em đã dậy học bài. Đến 5 giờ 30 phút, Thắng lau rửa, vệ sinh cho bố, lo cho bố ăn sáng xong rồi mới tới trường. Đi học về nấu cơm, nghỉ ngơi chừng 15 phút, Thắng đến nhà thầy cô học thêm. Biết hoàn cảnh gia đình Thắng khó khăn nên các thầy cô thường xuyên giúp đỡ. 
Em Lê Văn Thắng và cha. Ảnh: Phan Thị Chín
Trừ những lúc đi học, Thắng không khi nào rời xa bố. Không những thế, em còn phải lo việc rẫy để có cái ăn cho cả nhà. Mùa này, đi dọc quốc lộ 25, đoạn qua Trường THCS Lương Thế Vinh, chúng ta sẽ thấy rẫy bắp xanh mướt bên đường nhờ công chăm sóc của Thắng. Tôi đã từng chứng kiến Thắng chở cả tạ bắp từ rẫy về nhà.
Công việc xoay như đèn cù, vậy mà em vẫn học tốt. 3 năm học tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thắng đều đạt học sinh tiên tiến.
Em chia sẻ: “Phương pháp học tập của em rất đơn giản: không học vẹt, phải nắm vững bản chất vấn đề, thực hành bài tập nhiều, học nhóm để trao đổi phương pháp học tập; thảo luận, giúp nhau tháo gỡ những vấn đề chưa hiểu”.
“Sở dĩ tôi còn sống được đến ngày hôm nay cũng là nhờ sự chăm sóc hết lòng của con trai”-ông Thọ cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy khi trò chuyện với tôi.
Cùng tuổi với các bạn nhưng trông Thắng chững chạc hẳn. Hoàn cảnh đã rèn luyện cho em một phẩm chất rất đáng quý, phù hợp với môi trường quân đội.
Rồi đây, ông Thọ sẽ không còn được ăn những bữa cơm rất ngon do con nấu; những lúc buồn không còn được con trai chở đi dạo trên chiếc xe đặc biệt mà hai bố con “chế tạo”. Nhưng thay vào đó là niềm vui, niềm tự hào. Rằng ông có một cậu con trai nuôi bố tàn tật hơn chục năm trời vẫn thi đậu Học viện Quân y-một ngôi trường mà bao người mơ ước. C
hia sẻ cùng chúng tôi, Thắng chỉ trăn trở một điều, ai sẽ chăm bố trong những ngày em đi học xa khi mà bà cũng đã già yếu? 
PHAN THỊ CHÍN

Có thể bạn quan tâm