Phụ nữ Ia Dom: Giúp nhau thoát nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Dom có 563 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 8/8 chi hội thôn, làng. Những năm qua, cùng với việc động viên phụ nữ thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, Hội còn tạo điều kiện để hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Theo bà Hoàng Thị Ất-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, bình quân mỗi năm có khoảng 80% hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và 50% hội viên được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Ngay khi được Hội tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền 40 triệu đồng, chị Rơ Mah Hghi (làng Mook Trang) đã mua 2 con bò về nuôi và mua phân bón đầu tư chăm sóc hơn 1 ha điều. Năm 2018, diện tích điều cho thu bói được 10 triệu đồng, 2 con bò cũng chuẩn bị sinh bê con. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình chị Hghi đã bớt khó khăn.
Chị H'Phu (bìa trái) phấn khởi vì được hỗ trợ dê giống. Ảnh: P.D
Hội còn phát huy vai trò trong việc vận động tất cả các chi hội duy trì hiệu quả nguồn quỹ xoay vòng để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế gia đình. Bà Phạm Thị Hằng-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Mook Trang-cho biết: “Hàng năm, mỗi hội viên trong chi hội đều tự nguyện đóng góp 200-300 ngàn đồng vào quỹ xoay vòng để giúp đỡ hội viên khi khó khăn. Nguồn quỹ của chi hội hiện đang duy trì với 96 triệu đồng và cho 5 hội viên vay, mức vay tối đa 10-15 triệu đồng/hội viên trong thời gian 1 năm với lãi suất thấp. Đa phần hội viên đều sử dụng số tiền vay đúng mục đích để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống gia đình”.
Bên cạnh đó, Hội cũng triển khai, duy trì nhiều mô hình như: “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”, hướng dẫn hội viên cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh, tiết kiệm trong chi tiêu... Nói về mô hình “Hũ gạo tình thương”, bà Nguyễn Thị Cúc-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Ó-cho hay: “Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tùy vào nguyện vọng của hội viên mà chi hội thống nhất thời gian để trút hũ gạo. Năm 2018, chi hội đã trút hũ gạo vào ngày 20-10 được 150 kg và hỗ trợ toàn bộ số gạo này cho một số hội viên khó khăn và người già neo đơn, ốm đau bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong làng với số lượng 10 kg/người”. Mặt khác, chi hội cũng duy trì “Nuôi heo đất” với số tiền đóng góp 60 ngàn đồng/hội viên/năm; số tiền 6 triệu đồng hiện đang được giải quyết cho 1 hội viên vay để mua phân bón chăm sóc cây trồng.
Ngoài ra, trong năm qua, hộ chị Siu H'Vắt (làng Mook Đen 1) và Siu H'Phu (làng Mook Trang) được hỗ trợ dê giống từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Dẫn chúng tôi ra chuồng dê phía sau nhà, chị Siu H'Phu phấn khởi khoe: “Được hỗ trợ 2 con dê để phát triển kinh tế, mình vui lắm! Sắp tới mình phải nới rộng cái chuồng ra một chút vì dê sắp sinh rồi”. Chồng chị H'Phu chết cách đây 7 năm, một mình chị phải chăm sóc 300 cây cao su, 3 sào điều để nuôi mẹ già cùng 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. “Năm vừa rồi, cao su nhà mình cho khai thác nên cuộc sống cũng bớt khó khăn. Hy vọng dê sẽ đẻ thật nhiều để gia đình mình không còn nghèo nữa!”-chị H'Phu trải lòng.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm