Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều sinh viên ngoại tỉnh thay vì về quê thì chọn cách ở lại TP.HCM để tham gia tình nguyện hỗ trợ chống dịch với mong muốn góp sức trẻ vì sự bình yên của thành phố nghĩa tình.
Khương (giữa) cùng các tình nguyện viên sau khi vận chuyển mẫu xét nghiệm của các quận về Bệnh viện Ung bướu -Ảnh: NVCC |
Đành “lỡ hẹn” với những chuyến xe hỗ trợ về quê
Dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nhiều sinh viên đành chấp nhận “lỡ hẹn” với những chuyến xe hỗ trợ đưa sinh viên từ TP.HCM về quê nhà vì các bạn đã chọn ở lại để hỗ trợ chống dịch, với mong muốn thành phố, nơi các bạn đang gắn bó, sớm được trở lại nhịp sống bình thường.
Võ Duy Khương (sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, quê Bình Định) là một trong số đó. Khương biết tin tỉnh nhà tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách từ Bình Định đi TP.HCM và ngược lại khi đang nằm trong đội ngũ hỗ trợ quận Gò Vấp phòng dịch. Vì chưa thể về quê nên Khương quyết định đăng ký làm tình nguyện viên thu nhận và kiểm tra số lượng mẫu xét nghiệm của từng phường.
Vốn là người yêu thích việc làm thiện nguyện nên khi biết thông tin tuyển tình nguyện viên, Khương đã không chút do dự mà đăng ký ngay. Khương chia sẻ: “Mình muốn giúp mọi người một tay trong công cuộc chống dịch, để cuộc sống của người dân cũng như việc học của mình ổn định như cũ. Với lại, làm tình nguyện vui và ý nghĩa lắm. Mình được gặp gỡ nhiều người, ai cũng vui vẻ, hòa đồng, tốt bụng. Đặc biệt, các thành viên trong nhóm tình nguyện của mình rất đoàn kết, nên dù có kiểm hàng trăm mẫu xét nghiệm đi chăng nữa thì mình cũng không thấy mệt”.
Công việc diễn ra liên tục trong những ngày dịch cao điểm, nhưng Chưng (người ngồi giữa) và các tình nguyện viên vẫn luôn giữ tinh thần vui tươi, lạc quan - Ảnh: NVCC |
Khương cũng cho biết, từ tháng 6 đến tháng 7 vừa rồi, có hai chuyến xe hỗ trợ sinh viên từ TP.HCM về Bình Định nhưng chiến dịch mà Khương tham gia đang dang dở nên anh quyết định ở lại cùng cả nhóm chiến đấu tới khi tình hình dịch bệnh ổn hơn. “Ai cũng đang dốc sức giúp Sài Gòn, mà mình về, bỏ mọi người lại thì mình không nỡ”, Khương tâm sự.
Dù có thể về Tây Ninh với gia đình bằng xe máy, nhưng Trần Văn Luân (sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM) vẫn chọn ở lại thành phố. Từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, nên trong đợt dịch này Luân cũng không ngại ngần xung phong. Luân cho hay: “Hai chữ tình nguyện trong đầu mình nó luôn thường trực, mình luôn nghĩ làm sao phải giúp được mọi người. Giúp được ai thì đó là niềm vui cho chính bản thân mình, một người cười là mình lại có thêm động lực”.
Mỗi ngày Luân dậy từ sớm để chuẩn bị đi đến các điểm tình nguyện. Luân hỗ trợ nhiều công việc khác nhau như giúp dân khai báo y tế, đứng chốt chợ đầu mối Hóc Môn, trực chốt cách ly, nhập liệu...
Cũng như Luân, Rmah Chưng (sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM) cũng có thể về Gia Lai bằng xe máy nhưng vì việc học chưa kết thúc nên anh ở lại để học trực tuyến và làm tình nguyện. “Trước tình hình dịch phức tạp và hiện TP thiếu nguồn nhân lực, mình cũng muốn bỏ một chút công sức, thời gian của mình để cùng mọi người hỗ trợ dập dịch. Nên mình quyết định đăng ký đi tình nguyện”, Chưng chia sẻ.
“Con còn rất khỏe để cùng mọi người chống dịch"
Quyết định ở lại thành phố là thế, nhưng với những đứa con đi học, đi làm xa nhà thì ít nhiều cũng nhớ về gia đình, quê hương. Khi được hỏi có nhớ nhà không, Duy Khương trả lời ngay “có chứ, nhớ lắm”. Vì sợ gia đình lo lắng nên Khương đã giấu bố mẹ việc mình đi tình nguyện mùa dịch. Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, Khương thường gọi về nhà để hỏi thăm tình hình quê nhà. “Mỗi lần điện về, mình lại nói dối ba mẹ là mình đang ở trọ, đồ ăn thức uống còn đủ, ba mẹ đừng lo”, Khương nói.
Nhắn gửi đôi lời đến gia đình, Khương nghẹn ngào: “Đợi TP.HCM ổn rồi con về thăm nhà. Ba mẹ có biết con hỗ trợ chống dịch thì thông cảm cho con, con làm là vì mọi người”.
Rmah Chưng tham gia phát quà cho người dân khó khăn trong mùa dịch - Ảnh: NVCC |
Cũng như Khương, ban đầu Luân giấu gia đình việc mình đi tình nguyện, nhưng về sau Luân cũng nói ra để bố mẹ biết được tình hình, từ đó an tâm hơn.
Tất bật với công việc từ sáng sớm đến đêm khuya, nhiều khi chỉ vội ăn vài miếng cơm rồi chạy đi đứng chốt, nên nỗi nhớ nhà trong Luân cũng vơi đi phần nào. Có những ngày, bố mẹ gọi điện hỏi Luân có mệt không, anh tươi cười đáp “Con không mệt, con còn rất khỏe để cùng mọi người chống dịch. Nhà mình đừng lo cho con nghen”.
Còn Chưng cho biết sáng anh điều phối người dân ở siêu thị, hỗ trợ lấy mẫu, trưa về phòng ăn chút cơm, tranh thủ chợp mắt khoảng 15 phút, rồi chiều chạy đi trực chốt. Bận rộn là thế, nhưng cũng có đôi lúc nỗi niềm nhớ quê hương lại thoáng hiện lên trong đầu Chưng.
“Gọi về nhà hỏi thăm, coi những video đã quay lại cảnh quê nhà hoặc ngồi một mình đàn hát vu vơ là những việc mà mình làm mỗi khi nhớ gia đình”, Chưng bày tỏ. Chưng chờ đợi một ngày không xa, khi dịch bệnh qua đi sẽ được về Gia Lai phụ giúp mẹ và quây quần bên mâm cơm gia đình.
Là một tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch rất năng nổ, Chưng chia sẻ: “Chỉ mong người dân ở trong TP.HCM không quá hoang mang, lo lắng mà hãy cố gắng và chấp hành nghiêm việc giãn cách để cùng nhau dập dịch thành công”.
Theo Tuyết Rcom (TNO)