Rơ Mah Y Thành: Đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là người có uy tín của làng Thung Dôr (xã An Phú, TP. Pleiku), những năm qua, ông Rơ Mah Y Thành tích cực tuyên truyền, vận động dân làng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Làng Thung Dôr có 186 hộ với 890 khẩu, gần 100% dân số theo đạo Tin lành sinh hoạt tại chi hội Plei Thung Dôr (thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam). 
   Ông Rơ Mah Y Thành. Ảnh: T.N
Ông Rơ Mah Y Thành. Ảnh: T.N
Gia đình ông Rơ Mah Y Thành là một trong những hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng diện tích đất sản xuất của gia đình ông khoảng 2 ha gồm cà phê, lúa 2 vụ, rau xanh. Ngoài ra, ông còn nuôi bò sinh sản. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Y Thành luôn gần gũi, nhắc nhở bà con dân làng không vứt rác bừa bãi, sắp xếp chuồng trại chăn nuôi ở vị trí phù hợp, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cho con em đến trường đúng độ tuổi, bài trừ các hủ tục... Nhờ vậy, người dân ngày càng quan tâm chăm lo bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, đường làng sạch đẹp, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông Nguyễn Hữu Tài-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Phú: “Ông Rơ Mah Y Thành là cá nhân tiêu biểu tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng địa phương, cơ sở. Thành tích của ông được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, mới đây ông còn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2014-2018”.

Ông Y Băn-Bí thư chi bộ làng Thung Dôr-cho hay: “Từ năm 2016 đến 2018, ông Rơ Mah Y Thành đã tích cực vận động bà con dân làng đóng góp kinh phí cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách để làm gần 600 m đường bê tông nông thôn. Ngoài ra, ông còn vận động bà con di dời hàng rào để mở rộng 200 m đường làng, vận động bà con đóng góp thêm kinh phí để xây dựng hội trường làm nơi hội họp”.
Là thành viên của tổ hòa giải, ông Y Thành rất chịu khó học hỏi và tìm hiểu kiến thức pháp luật, tham gia các lớp tập huấn do ngành chức năng tổ chức để nâng cao kỹ năng hòa giải. Ông đã dùng uy tín và sự hiểu biết của mình để giải thích kết hợp với tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng các cuộc hòa giải đi đến thành công. Tuy vậy, trao đổi với P.V, ông vẫn trăn trở: “Khó khăn nhất trong công tác hòa giải ở làng dân tộc thiểu số là sự hiểu biết của bà con còn hạn chế. Vì vậy, người đảm trách phải nhìn nhận rõ bản chất của sự việc để phân tích đúng sai, có lý có tình trên cơ sở kết hợp giữa pháp luật và luật tục thì mới thuyết phục được các bên, mới tạo được sự đồng thuận”.
Cùng với cán bộ các đoàn thể của làng, ông Y Thành cũng tích cực tuyên truyền, động viên bà con theo đạo chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng-tôn giáo, sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, xây dựng buôn làng phát triển. Qua thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tập thể làng Thung Dôr liên tục hơn 5 năm liền được UBND TP. Pleiku công nhận là “Làng văn hóa”.
Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm